Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật
Luyện tập 1 trang 158 KHTN lớp 7: Lấy ví dụ ở địa phương em:
a. Cây ra hoa một lần và cây ra hoa nhiều lần trong năm.
b. Động vật đẻ ít con và động vật đẻ nhiều con trong một lứa.
Trả lời:
- Ví dụ về các loài thực vật:
+ Cây ra hoa 1 lần/năm: nhãn, vải, bưởi, đào, mận,…
Thông thường nhãn ra hoa vào thời điểm khoảng tháng 2 hàng năm. Tuy nhiên, thời gian nhãn ra hoa có thể thay đổi. Cây có thể ra hoa sớm hơn 15 ngày hoặc sau 15 ngày do sự thay đổi của thời tiết.
Vải thiều bắt đầu ra hoa vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch. Thời điểm cây vải thiều ra hoa là lúc cần tập trung tỉa cành, tạo hình cho cây bằng cách dùng kéo cắt cành cắt bỏ hết các cành nhỏ, cành tăm, cành bị sâu bệnh, các cành mọc chen trong tán. Khi cây vải thiều ra hoa, cần ngừng hẳn tưới nước, giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10-15 ngày mới tưới đẫm nước liên tục 2-3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung.
Thông thường, ở các vùng đồng bằng, mận sẽ ra hoa vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, sau đó cho trái vào tầm tháng 4 - 5.
+ Cây ra hoa nhiều lần/năm: cây bỏng, cây đu đủ,…
Đu đủ là loại cây ăn trái nhiệt đới, được trồng phổ biến rộng rãi nhiều nơi. Trồng xen cây lâu năm hoặc trồng thành vườn chuyên,... Đu đủ cho năng suất rất cao, kỹ thuật trồng cây đu đủ lại không khó, làm tăng thu nhập kinh tế gia đình của người trồng. Đu đủ có khả năng trổ hoa và đậu trái quanh năm, có mùa ít hoặc không đậu trái. Do vậy, để trồng đu đủ đạt năng suất cao, trái đẹp, hạn chế sâu bệnh, có thể bố trí trồng đu đủ vào các thời điểm như: Vùng đất chủ động tưới tiêu, trồng đu đủ vào mùa mưa (tháng 7 - tháng 8). Vùng đất kém chủ động nước (vùng bị ảnh hưởng của nước lũ) trồng sau khi nước rút.
- Ví dụ về các loài động vật:
+ Đẻ ít con trong một lứa: trâu, bò, ngựa,…
Thông thường trâu cái được nuôi theo phương pháp chăn thả truyền thống, mất 2 - 3 năm mới sinh được 1 lứa. Nhưng nếu chăn nuôi đúng kỹ thuật, chỉ một năm rưỡi, trâu lại sinh sản được 1 lứa, nghé con khỏe mạnh, nhanh lớn, hiệu quả kinh tế cao 1,5 - 2 lần so hình thức nuôi trâu sinh sản thông thường.
+ Đẻ nhiều con trong một lứa: chó, chuột, lợn,…
Thời gian từ 6 tháng - 1 năm tuổi, chó cái sẽ có xu hướng động dục lần đầu, thời gian động giục kéo dài khoảng từ nửa tháng đến một tháng và một năm xuất hiện khoảng 1 - 2 lần. Mỗi con chó cái sẽ đẻ hai lứa một năm. Thông thường loài chó đẻ khoảng 5 - 10 con trong mỗi một lứa đẻ.
• Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật bao gồm các yếu tố bên ngoài (là các yếu tố môi trường như: ánh sáng, nhiệt độ,...) và yếu tố bên trong (ví dụ: đặc điểm của loài, hormone sinh sản,...).
• Quá trình sinh sản ở sinh vật được điều hoà chủ yếu bởi các hormone. Con người sử dụng hormone và các kĩ thuật nhân giống để điều khiển quá trình sinh sản ở thực vật như kích thích sự ra hoa sớm, tăng sự đậu quả, nhân nhanh giống cây,...; điều khiển sinh sản ở động vật theo hướng điều khiển số con, số trứng, giới tính.