Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Luyện tập 3 trang 137 KHTN lớp 7: Lấy một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng.
Trả lời:
Một số ví dụ về biểu hiện của thực vật, động vật khi thiếu và thừa chất dinh dưỡng:
- Ở người, thiếu protein sẽ dẫn đến suy nhược, gầy yếu, rụng tóc, da mất độ đàn hồi, cơ và xương kém phát triển, kinh nguyệt và nội tiết tố rối loạn, da xanh xao,…
- Ở người, thừa sắt sẽ dẫn đến mệt mỏi, người yếu, da đậm màu hoặc có màu đồng, đau khớp,…
- Ở gà, thiếu canxi sẽ dẫn đến gà đi lại không bình thường, co giật, run rẩy, gà còi, lông mọc chậm, hay mổ nhau,…
- Ở thực vật, thiếu chất đạm (N) sẽ dẫn đến cây sẽ có biểu hiện sinh trưởng kém, thân và cành còi cọc, ít đẻ nhánh, phân cành, lá thường non mỏng, màu nhạt, dễ chuyển sang màu vàng và rụng sớm.
- Ở thực vật, thừa N sẽ làm cây sinh trưởng quá mạnh, do thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu, dễ lốp đổ, dễ bị sâu bệnh tấn công.
• Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào (ở sinh vật đơn bào chỉ tăng kích thước tế bào), làm cơ thể lớn lên.
• Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn.
• Sinh trưởng và phát triển có liên quan mật thiết với nhau, liên tiếp, xen kẽ nhau và chịu ảnh hưởng của môi trường sống. Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển. Phát triển làm thay đổi và thúc đẩy sinh trưởng. Sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như đặc điểm của loài, nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng,... Các nhân tố này có tác động tổng hợp lên sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.