Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Bà lão lòa đề 1

<?xml encoding="UTF-8">

" Bà lão lòa
(1). 76 tuổi đầu, mỗi bữa thất thểu ăn một lưng cơm, bà lão lòa ở nhờ một đứa cháu họ, thật đã lắm phen cực nhục. Cháu bà, một bác đánh giậm, với vợ, một chị mò cua bắt ốc, khốn thay, dưới nách hai đứa con mọn, cũng đã lắm phen nhăn nhó vì chẳng đủ ăn. Hai mươi năm về trước, bà lão lòa này còn là người có của trong làng. Con trai bà nó chơi, nó phá, nó bán ruộng, cầm nhà rồi nó bỏ bà nó đi, chẳng biết đi đâu, lòng mẹ đối với con tuy có giận mà vẫn có thương, bà khóc lóc một mình đến nỗi lòa cả mắt. Trong thời bà còn giàu có, ngoài những việc cúng tiền tô tượng đúc chuông, bà còn năng giúp đỡ kẻ nghèo khó; trong họ ngoài làng, nhiều người đã được nhờ bà mà đến khi gặp bà bước khốn cùng thì chẳng ai thương cả. Cũng vì xưa kia đã nhiều phen ngửa tay nhận lấy đồng tiền cứu giúp của bà, bác đánh giậm đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm mắt nuôi cô trong lúc hoạn nạn. Nhưng vốn bị ma nghèo ám ảnh, mới nuôi cô được độ ba năm, bác đánh giậm đã thấy nản lòng. Cái cảnh túng bấn nó thường đẩy người ta vào chốn bùn nhơ, nó thường buộc người vào vòng tội lỗi, đối với bác đánh giậm, ác hơn, nó làm bác quên bỏ cả lương tâm. Quên hẳn cái ơn ngày trước, bác ta chỉ còn biết xót ruột khi bà lão lòa lò rò ngồi vào mâm, cướp cơm của vợ, của con nhà bác. […]
(2). Bà lão lòa, ăn hết một lưng, tay lẩy bẩy chìa bát ra toan xin ít nữa, chưa kịp nói, bác gái đã quát:
– Hết rồi…! Còn đâu nữa mà chìa mãi bát ra… Đến tôi đây quần quật suốt ngày, đã ốm cả xác mà cũng chỉ được có ba lưng thôi đấy… Bà không phải làm gì, ngồi nhà ăn ít cũng được.
Bà lão giật mình, đớ người ra một lúc rồi đứng lên đi vào trong nhà, ngồi xuống bậu cửa,….(Lược bớt đoạn bà lão lòa nhớ lại cảnh từng cho tiền giúp người nghèo khó). Bà lão lòa thổn thức, trên hai gò má răn reo lại thấy mấy giọt nước mắt chảy ròng ròng. Bà lão gục đầu xuống gối tỉ tê khóc không ra tiếng, chỉ thấy sụt sùi hậm hực…[…]
(3). Đã được nửa tháng nay, sáng nào cũng thấy thằng cu lớn dắt bà ra ngồi đầu đê rồi chiều đến lại dắt về. Trong bọn những người chợ búa qua lại con đường cái quan, tạt vào đường đê, thấy một bà lão lụ khụ, hổn hển thở, ngẩng đầu chìa nón kêu van, cũng đôi khi có người vứt cho một vài đồng kẽm. Chẳng may, nếu hôm nào về tay không thì vợ bác đánh giậm – cháu bà – lại nghiến răng xỉa xói thậm tệ:
– Hôm nay chẳng ai thí cho bà đồng nàọ..! Bà có biết thế là bà lại ăn phần cơm của thằng cu lớn đấy không? Từ mai, bà liệu mà kêu to lên mới được… Hay tại bà ngồi dưới bóng cây mát mà ngủ thiếp đi…? Bà liệu đấy…!
Bát cơm ngô điểm quả cà thiu, bà lão lòa trước khi và vào mồm đã chan đầy như canh bằng nước mắt…
(Trích “Bà lão loà”, Vũ Trọng Phụng, Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng” – tập 1, NXB Văn học)
Chú thích: đọc hiểu bà lão lòa
Vũ Trọng Phụng (1912–1939) quê quán ở làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, lớn lên ở phố Hàng Bạc, Hà Nội.
Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kịch, … Trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng thì Giông tố và Số đỏ là hai kiệt tác, mang dấu ấn thiên tài, đưa Vũ Trọng Phụng trở thành một trong những nhà văn lớn hàng đầu của văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.