Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Bàn về sự học

" Bàn về sự học
1. Học là gì?
Là việc tiếp thu những hiểu biết về thế giới. Như vậy, rất rộng. Hiểu biết sẵn có trong sách vở của tiền nhân, hiểu biết nhận thức trong khi tiếp xúc với môi trường, trở thành của mình thì đều có thể coi là học.
2. Học để làm gì?
Trong đời, phải tự làm để nuôi thân, không sớm thì muộn. Có cơm để ăn, có áo để mặc, có chỗ để ở chính là điều kiện để tồn tại. Muốn làm thì phải biết, muốn biết thì phải học. Cho dù phổ biến nhất như nghề nông cho đến phức tạp như kỹ thuật du hành không gian, đều phải học.
Vậy, học để tồn tại.
Đã có thể tồn tại, càng phải tiến bộ để đạt tới cuộc sống tốt đẹp hơn, hoặc là cuộc sống mà bản thân mong muốn. Làm như thế nào? Đó là phải trở nên tinh thông một hoặc những lĩnh vực nhất định, dựa vào đó để đổi lấy những lợi ích cần thiết. Đổi lấy hoặc kiếm lấy. Không có cách nào khác ngoài học, bởi đâu thể tự nhiên mà biết, có ai không học tự thông.
Xã hội trước nay, dù khác nhau về mức độ, hình thức, thời đại nào cũng tồn tại sự chênh lệnh về các tầng lớp hay đẳng cấp. Như quý tộc và thứ dân, người giàu và người nghèo, như một điều tất yếu. Không nói về giàu nghèo, đơn cử Anh Quốc, một quốc gia theo chế độ Quân chủ Lập hiến, vẫn còn đương phân chia giới quý tộc và thường dân, kèm theo những đãi ngộ công khai hoặc ngầm hiểu giữa hai giới này, khiến việc thay đổi đẳng cấp ở nước này là rất khó. Chẳng phải các tầng lớp trên có địa vị xã hội như thế là nhờ vào ưu thế về tài nguyên vật chất và quan hệ con người đó sao. Làm thế nào để thay đổi đẳng cấp hay tầng lớp? Chính là nắm giữ những tài nguyên đó, và vẫn không còn cách nào khác ngoài học.
Vậy, học để có cuộc sống tốt đẹp hơn, học để thay đổi đẳng cấp.
Tháp nhu cầu Maslow chỉ ra các mức độ nhu cầu của con người. Thấp nhất là nhu cầu tồn tại cho đến cao nhất là nhu cầu tự thể hiện mình. Cuộc đời mỗi người là sự đan xen của việc thỏa mãn các trạng thái nhu cầu đó. Suốt đời mình, chúng ta theo đuổi các mục tiêu và đưa ra các hành vi nhằm thỏa hiệp và thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Công cụ để điều khiến hành vi đạt được mục đích không gì khác ngoài học thức.
Vậy, học để thỏa mãn nhu cầu của mình.

3. Học cái gì?
Học chuyên môn, để tinh thông một thứ và biến nó thành nghề kiếm sống. Tới học nhân sinh để hiểu được con người, hiểu được xã hội, để nhờ vào đó mà có chỗ đứng. Có thể mượn tiêu chí giáo dục của UNESCO là “học để biết, học để hiểu, học để tự khẳng định mình, học để chung sống” làm phương hướng. Đơn cử, học cách tôn trọng chính mình và tôn trọng sự khác biệt, bởi mình không tôn trọng mình thì ai tôn trọng mình cho được. Có thế rồi thì cao hơn nữa, xa hơn nữa là học cái mình thích, để thỏa mãn nhu cầu tinh thần.
4. Học thế nào?
Học trên trường lớp và sách vở hàn lâm, từ internet nếu có thể, học ở xã hội bằng trải nghiệm, bằng thất bại, bằng thành công, chỗ nào và hình thức gì đều có thể học. Bởi đơn giản học chỉ là biến hiểu biết trở thành của mình mà thôi. Học cũng là học, mà làm cũng là học.
Thay vì dành thời gian để hoài nghi chính mình, hãy học. Kiến thức sẽ là câu trả lời cho mọi sự hoài nghi đó.
Thay vì dành thời gian chán chường, đàn đúm than vãn, hãy học.
Thay vì chán nản về những thứ mình gặp phải, hãy hành động đi, hãy học. Học thức chính là tài sản quý giá nhất mà ta có thể sử dụng trong suốt cuộc đời.
Học có thể không đạt được tất cả nguyện vọng, nhưng không học chắc chắn không có gì.
(Trích Bàn về sự học, Nguyễn Vệ, sưu tầm từ internet)
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu bài Bàn về sự học
"