Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Bảy lời bình dành cho Chí Phèo đề 1

" Bảy lời bình dành cho Chí Phèo
Xét cho cùng, biểu hiện lớn nhất của tình người ở Thị Nở là bát cháo hành. Và đây là một chi tiết thiên tài của Nam Cao.
Việc Thị Nở chăm sóc cho Chí Phèo khi bị cảm gió ngoài vườn, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ ngày về làng. Vì thế nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Gửi niềm tin vào lòng tốt bình thường, Nam cao đã tỏ rõ tầm cỡ của một nhà văn nhân đạo lớn. Bởi cái mà nhân loại thiếu không phải một lòng tốt xa vời và hư ảo của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong tác phẩm của Rơ-mác. Chỉ cần mỗi con người mang cho nhau một lòng tốt bình thường là đủ để cả hành tinh này tốt đẹp rồi.
Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh. Lại được nấu bởi bàn tay của Thị Nở thì chắc là… Ấy thế mà đến nay, khi sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí mới lần đầu tiên được hưởng. Chí Phèo ý thức được sự hiếm hoi muộn màng đó. Và hắn nhận ra đó là hương vị của tình người. Kề bát cháo hành lên miệng, hắn đã khóc. Nam Cao đã tả bằng những lời văn bề ngoài lạnh lùng mà bên trong đầy thương cảm xót xa: “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình như ươn ướt”. May mà Chí Phèo vẫn còn những giọt nước mắt ấy. Nếu không còn khả năng khóc, Chí Phèo không còn khả năng lương thiện, nghĩa là lương tri đã chết hẳn trong con người Chí. Nam Cao tin vào nước mắt của con người. Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của tính người. Sự thức tỉnh của các nhân vật Nam Cao đều cùng với giọt nước mắt là bằng nước mắt. Sống trong xã hội Vũ Đại héo khô tình người, giọt nước mắt trong Chí Phèo tưởng đã khô cạn, tiêu tan. Hóa ra chưa hẳn. Nó chỉ bị vùi lấp trong sâu thẳm lòng Chí, nó vẫn còn chảy len lỏi, âm thầm và trong suốt. Vậy là tình người đã được thức tỉnh, đã hồi sinh tính người trong Chí. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí dường như đã được trút bỏ, con người lương thiện đã hiện nguyên bản tướng. Đó chẳng phải là sự kì diệu của bát cháo hành, kì diệu của tình người hay sao?
(Bảy lời bình dành cho Chí Phèo, Chu Văn Sơn, in trong Đi tìm vẻ đẹp văn chương,
Trần Phương Thu tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018)
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu Bảy lời bình dành cho Chí Phèo
"