KÌ NGỘ
Ngọc Hồ có đám trai tăng,
Nức nô cảnh Phật, tưng bừng hội xuân,
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai.
Thưởng xuân sinh cũng dạo chơi,
Thơ lưng lưng túi, rượu với với bầu.
Mảng xem rừng Phạm thú mầu,
Vừng kim ô đã gác đầu non tê.
Tiệc thôi ai nấy cùng về,
Gió chiều lay bóng hoa lê là là.
Bên cầu chen lũ năm ba,
Thần tiên trước mắt, ai là kẻ hay.
Sinh vừa tựa liễu nương cây,
Lá hồng đâu bỗng thổi bay lại gần.
Mắt coi mới tỏ dần dần,
Mấy hàng chữ gấm, ba vần bốn câu.
Trông hoa lặng ngắt giờ lâu,
Ấy ai thả lá doành câu ghẹo người
Rắp toan hoạ lại mấy lời,
Gió hương đâu đã bay hơi trầm đàn.
Thấy người trước cửa tam quan,
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ,
Lạ lùng con mắt người thơ,
Hoa còn phong nhị, trăng vừa tròn gương.
Rởn rởn xuyến ngọc thoa vàng.
Quần nghê tha thướt, sóng Tương rườm rà.
Mẽ chiều lạt nguyệt sờn hoa,
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời.
Gần xem vẻ lại thêm tươi,
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều.
Làn thu lóng lánh đưa chiều,
Não người dẫu chút bấy nhiêu cũng tình.
Vốn mang lắm bệnh Trương sinh
Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?
Đưa tình một liếc sóng đào
Dẫu lòng vàng đá cũng xiêu lọ người.
Xui duyên ví chẳng là trời,
Từ lang chưa dễ lọt vời non tiên.
[…] Người còn ướm gió nói mây,
Đạp hoa khách đã trở giày làm thinh,
Nghé theo đến Quảng Văn đình
Bóng giăng trông đã trên cành lướt qua
Mượn nhời ướm hỏi gần xa:
“Hồng lâu tử các đâu mà thấy đây?
Hay là cung nước làng mây,
Gió xuân thổi xuống chốn này ấy sao?
Dám xin tỏ lối cho nao,
Tới non Ngọc dễ ai nào về dưng”,
Giả nhời ngảnh lại thưa rằng:
“Hỏi chi cung tuyết điện giăng nữa mà?
Ơn lòng nhắn liễu thăm hoa,
Biết đâu sắc sắc vẫn là không không”.
Nói thôi lần bóng ngàn thông,
Hương trầm còn thoảng cánh hồng đã khơi.
Cánh loan gió cuốn lưng trời,
Tiên về động bích, tình rơi cõi trần.
Với trông năm thức mây vần,
Hồn chưa đến chốn non thần đã mê.
(Trích theo Bích Câu kì ngộ, Vũ Quốc Trân, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 16, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, trang 272 – 275)