" Bố con ông gác máy bay trên núi Cối Kê
(Lược đoạn đầu: Tư Mủng là một người nông dân nhưng không có đất, phải đi làm mướn. Cực khổ quá, cả gia đình ông đã dắt díu nhau lên mạn Thái Nguyên để khai phá đất hoang. Ở vùng đất mới, vì có lỗ tai thính, có thể nghe tiếng máy bay của địch từ rất xa nên ông Tư Mủng được úy ban tín nhiệm, bầu làm người gác máy bay. Mọi sinh hoạt của thị xã nhất nhất tuân theo hiệu lệnh kẻng của ông từ trên núi Cối Kê vọng xuống. Nhưng có một lần, máy bay bất ngờ lên vào ban đêm. Ông Tư Mủng vội vàng lao ra đầu núi để đánh kẻng báo động. Bị bất ngờ, dân thị xã cuống cuồng chạy xuống hầm. Những hàng hóa đem bán ở chợ, trong đêm tối, bị người ta dẫm nát. Những nải chuối vợ ông đem xuống chợ bán cũng cùng chung số phận. Khi trở về, vợ ông đâm ra nản chí, muốn bỏ vùng đất này mà đi).
Hay là đi! Có lẽ đến phải dọn đi thật. Nghĩ vậy ruột gan ông đã đau thắt lại. Mảnh đất này đã gấn bó với ông tựa xương thịt rồi. Từng hốc đá, từng búi cỏ trên mảnh đất ông đang sống đây, không chỗ nào không mang dấu tích, bóng dáng vợ con ông. Gia đình ông đã sửa sang, chăm bẵm cho nó từng ngày, từng ngày. Cái sân phẳng phiu trước nhà bây giờ, khi vợ chồng ông mới lên là một bãi mây gai chằng chịt với sim mua, cỏ rậm. Chỗ kê cái chuồng gà ấy có một ổ rắn, mẹ con nằm cuộn tròn trong hốc đá. Ngày ấy tứ bề gai góc, đêm đêm cầy cáo vẫn về bắt gà bắt vịt, vợ chồng ông có hôm phải nhịn cơm vỡ rậm. Bao nhiêu năm giờ mới thành thân được miếng đất như thế này. Bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt đã đổ xuống! Chính lúc ông nảy ra cái ý muốn bỏ đi lại là lúc ông muốn bám chằng lấy nó. Ông lại muốn được cuốc, xới, được sống mãi trên mảnh đất cheo leo này.
(Lược một đoạn: Rồi ông Tư Mủng quyết định ở lại, ở lại vì mảnh đất mình đã nhọc công khai phá, ở lại vì bà con thị xã cần có ông gác máy bay. Ông đào thêm nhiều hầm để đối phó với tình hình mới. Một lần, máy bay lên bất ngờ, vì lao ra cứu đứa con đang mải chơi ngoài đầu núi, ông bị trúng đạn và bị thương, phải vào viện chạy chữa. Vắng ông, cuộc sống của người dân trở nên nhốn nháo, bất an. Dù Ủy ban đã cử người thay thế, nhưng người đó không thể dự báo chính xác cho họ biết khi nào máy bay đến. Rồi ông Tư Mủng trốn viện về…).
– Ối giời ơi, kìa ông Tư. Ông Tư Mủng! Làm thế nào đã về được? Sao bảo còn phải lâu lắm kia mà?
Ông bỏ nón, đi lại bên bác phó cạo, ghé vào tai nói nho nhỏ:
– Tôi trốn. Nằm ở trong ấy ngày ngày cũng nghe máy bay nó bắn phá, sốt ruột quá, tôi bỏ trốn về… Tôi tạt vào đây định nhờ bác một việc. Chiều nay hay ngày mai, lúc nào tiện bác vào trong bệnh viện lấy giùm cho gói quần áo và mấy thứ lặt vặt…
– Được, được, ông cứ yên trí…
Dứt lời bác chạy ra cửa dõng dạc gọi sang bác hàng phở gánh vẫn đỗ dưới cây bàng rườm rà bên kia đường:
– Này làm cho một bát nhé! Làm thật ngon vào. Có ông Tư Mủng vừa ở bệnh viện ra đấy.
– Ông Tư Mủng về đấy à? Có ngay!
Bác hàng phở reo lên vui sướng. Tiếng dao thớt tức thì rền phăm phắp.
Những người quanh đấy nghe ông Tư Mủng về đổ xô cả lại tíu tít, thăm hỏi. Bác hàng bánh đưa bánh. Ông hàng kẹo đưa kẹo. Bà cụ hàng nước già lọng khọng cũng rót một cốc nước chè tươi đầy và gói “Hoa Lư”[1] còn nguyên chưa bóc tem vào mời ông Tư. Bác hàng phở làm xong bát phở không len chân vào được, gắt gỏng, quát tháo ầm ĩ lên.
Ông Tư đỏ văng cả mặt, cuống quýt, chối đây đẩy không dám nhận. Ông cảm động quá, nước mắt chỉ muốn trào ra. Ông vừa ngượng ngập, vừa vụng về, ấp úng nói chẳng lên lời. Bốn, năm năm giời nay, bây giờ ông mới được gặp bà con trong phố [2]. Được nhìn mặt từng người và thấy rõ sự săn sóc ân cần của từng người trên những khuôn mặt hồ hởi ấy.
– Nào ông Tư Mủng đâu! Xem mặt ông Tư Mủng nào. Bao nhiêu năm chỉ được nghe thấy tiếng kẻng mà không được nom thấy người đây.
– Gớm ông Tư Mủng về đúng dịp quá. Cả thị xã đang thất điên bát đảo vì kẻng đấy ông ạ.
– Xê ra! Xê ra nào! Kìa ông xơi đi chứ. Nguội hết cả của người ta rồi!
Ngoài đường lại thấy ba bốn tốp người nữa đang kéo vào; cả ông già, bà cả, cả mấy ông chủ hàng cơm và mấy cô hàng xén, hàng vải nữa…
– Thôi thôi, tôi không lấy đâu. Tôi không ăn đâu. Tôi vẫn còn no mà, – Ông nhăn nhó nói với mọi người, – Các cụ, các bà, các bác cùng nghe tôi, tản ra, tản hết ra đừng kéo đông đến thế này, máy bay nó ập đến thì chết. Thôi tôi cũng phải về đây. […]
(Bố con ông gác máy bay trên núi Cối Kê, Kim Lân, Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018)
[1] Hoa Lư: một nhãn hiệu thuốc lá.
[2] Bởi ông Tư Mủng phải ở luôn trên núi để gác máy bay và đánh kẻng báo hiệu, nên không được xuống phố.
Thực hiện câu hỏi đọc hiểu bài Bố con ông gác máy bay trên núi Cối Kê
"