Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Cần hiểu đúng bán cầu não phải và thế giới phẳng

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Cần hiểu đúng bán cầu não phải và thế giới phẳng

Đọc ngữ liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:

Từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng có một dây thần kinh gọi là đường Mason-Dixon chia não bộ của con người làm hai phần – bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái điều khiển tư duy về trật tự, học hành và phân tích, còn bán cầu não phải điều khiển cách biểu lộ cảm xúc và tư duy tổng hợp của con người […].
Mãi đến thời gian gần đây, bán cầu não trái vẫn còn chi phối khả năng thành công trong học tập, công việc hay kinh doanh của mỗi người. Nó quyết định năng lực tư duy tuyến tính, logic và phân tích của mỗi người. Ngày nay, những năng lực đó vẫn cần thiết, song không còn đủ nữa. Trong một thế giới bị đảo lộn tràn ngập thông tin và đầy rẫy các sự lựa chọn, những khả năng quan trọng nhất gần với các đặc tính của bán cầu não phải hơn – đó là khả năng cảm thụ nghệ thuật, biết cảm thông, có tầm nhìn rộng và khát vọng lớn.
Pink là người có một công việc không thể làm thay bởi máy móc hay cho thuê làm bên ngoài. Ông cho rằng nếu thực sự muốn trở thành một người không ai có thể đụng tới, ta cần phải liên tục phát triển những kỹ năng liên quan tới bán cầu não phải […]. Trong thế kỷ trước, máy móc đã thay thế sức người. Trong thế kỷ này, đến lượt công nghệ đang thay thế bán cầu não trái của con người. Công nghệ có thể thực hiện các công việc tính toán, phân tích và sắp xếp một cách hiệu quả, nhanh chóng và chính xác hơn cả những người có chỉ số IQ cao nhất. Hãy thử hỏi vua cờ Garry Kasparov, người vừa đánh cờ với máy tính bị bại, bạn sẽ hiểu điều đó.
Để thành công trong thời đại ngày nay, chúng ta cần phải bổ sung cho mình những kiến thức cao sâu về công nghệ bằng khả năng “suy tưởng cao” và “mẫn cảm cao”. Suy tưởng cao có nghĩa là khả năng tạo ra vẻ đẹp thẩm mỹ và xúc cảm, phát hiện ra những hình mẫu và cơ hội, diễn đạt một cách hấp dẫn và sáng tạo ra những thứ mà chưa ai nghĩ ra. Mẫn cảm cao là khả năng đồng cảm, thấu hiểu những điều tế nhị trong giao tiếp giữa người với người, tìm được niềm vui trong mình và khơi dậy niềm vui trong người khác, và biết vượt qua những chuyện thường nhật để tìm cho mình mục đích và ý nghĩa của cuộc sống.
Không dễ gì phát triển được khả năng suy tưởng cao và mẫn cảm cao. Song bạn đừng sợ, hay chí ít cũng đừng quá sợ. Ngày nay, những khả năng quan trọng nhất đều là những thuộc tính của con người. Rốt cuộc, xưa kia tổ tiên của chúng ta ăn lông ở lỗ đâu có biết dùng máy tính hay làm việc giải mã. Song họ biết cách kể chuyện, biểu lộ sự đồng cảm và có óc sáng tạo. Đây đều là những khả năng thuộc tính của con người. Sống trong kỷ nguyên thông tin mới được vài thế hệ khả năng suy tưởng cao và mẫn cảm cao của chúng ta đã dần bị mai một. Vấn đề là phải phục hồi những khả năng ấy.
Song bạn cần làm gì để mài giũa những kỹ năng liên quan đến bán cầu não phải? Để não phải phát triển, bạn cần làm những việc mà mình yêu thích bởi khi đó bạn sẽ cống hiến cho việc mình làm những giá trị vô hình xuất phát từ não phải của mình – đó là điều không dễ bị bắt chước, tự động hóa hay cho thuê làm bên ngoài. Như Pink đã nói: “Những khả năng quan trọng nhất hiện nay chính là khả năng làm những việc xuất phát từ động lực nội tại của mỗi người. Không có nhiều người trở thành kế toán xuất phát từ động lực nội tại. Song động lực nội tại chính là điều thúc đẩy con người sáng tạo và đồng cảm, khiến người ta trở thành nhà thiết kế, người kể chuyện hay nhà tư vấn […]. Nói một cách khác, khoảng cách giữa những việc mà ta làm vì yêu thích với những việc ta làm để kiếm sống ngày càng thu hẹp”.
Do đó, Pink chốt lại rằng, khi bạn nghe cha mẹ mình hay người dẫn chương trình trong buổi lễ tốt nghiệp đại học của bạn khuyên “hãy làm điều gì mình thích”, thì điều đó không có nghĩa là họ đang cưng chiều bạn đâu. Trái lại, họ đang chỉ cho bạn chiến lược sinh tồn đấy.
(Trích Thế giới Phẳng, Thomas L.Friedman, NXB Trẻ, 2019, trang 366-369).
Chú thích: Thế giới phẳng ; đọc hiểu thế giới phẳng ; trắc nghiệm thế giới phẳng ; Thế giới phẳng đọc hiểu ; thế giới phẳng trắc nghiệm
Tác giả Thomas L.Friedman và “Thế giới phẳng”
Thế giới phẳng (tiếng Anh: The World is Flat) là một tác phẩm của Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times có những tác phẩm và công trình nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hoá rất thành công: Nóng, Phẳng, Chật, Từ Beirut đến Jerusalem, Chiếc Lexus và cây ôliu, Từng là bá chủ. Năm 2005, cuốn sách này được trao giải thưởng Cuốn sách hay nhất năm.