Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Cây vĩ cầm cho rothschild (a.p.chekhov)

Lược một đoạn: Iakov sống cùng vợ ở một vùng quê nghèo. Ông lão làm quan tài rất giỏi và kiêm thêm nghề chơi đàn. Iakov luôn cáu bẳn, bắt nạt vợ và Rút Xin- Một nhạc công người Do Thái. Iakov luôn cảm thấy cuộc sống mất mát, và có một cuốn sổ ghi lại tất cả những điều này. Sau đó, người vợ của ông bị bệnh tả và qua đời. Chôn cất vợ xong, ông lão suy ngẫm, cố gắng nhớ lại chuyện quá khứ và hối hận về tất cả những việc làm sai của mình. Đến lượt mình, ông cũng nhiễm bệnh, tâm nguyện của ông là để lại cây vĩ cầm cho Rút Xin- một người mà trước đây ông luôn đối xử bất công và hằn học.

……Lão không sao hiểu nổi, tại sao lại như thế, tại sao có đến bốn, năm mươi năm lão không ra sông lấy một lần, mà giá có ra tới đây thì chắc gì lão đã để ý tới nó? Vậy mà đây là một con sông thật lớn, hoàn toàn không phải loại vớ vẩn. Trên sông có thể lập những khu đánh bắt cá để bán cho đám thương gia, cho những công chức và các hàng ăn ở trên bến và sau đó tiền thu được đem gửi vào nhà băng; có thể rong ruổi trên thuyền từ trang ấp này tới trang ấp khác và chơi đàn, mọi người đua nhau mời lão đi biểu diễn và sẽ trả tiền; cũng có thể thử vài chuyến xà lan – làm việc này còn tốt hơn chán vạn nghề đóng quan tài; và cuối cùng, có thể nuôi ngỗng, mổ thịt, tới mùa đông chuyển lên Moskva. Trời đất, mỗi con ngỗng quèn một năm cũng cho tới cả chục rúp. Thế mà lão đã bỏ qua, chẳng làm một việc gì như thế cả. Những tổn thất mới lớn làm sao! Ôi chao là thiệt hại! Mà nếu như làm tất cả cùng một lúc, cả đánh cá, kéo vĩ cầm, chở xà lan và giết ngỗng, thì sẽ kiếm được bội tiền! Nhưng tất cả những việc đó ngay cả trong mơ lão cũng không nghĩ ra, cuộc đời trôi qua chẳng ích lợi, chẳng vui thú gì, trôi qua vô tích sự, chẳng ra đâu vào đâu; phía trước không còn tương lai, mà ngoái lại đằng sau thì chẳng có gì hết, ngoài những mất mát, những mất mát lớn đến nỗi chỉ nghĩ tới thôi đã thấy ớn lạnh cả người. Mà tại sao con người ta lại không có thể sống như thế nào đó, để khỏi phải chịu những thiệt hại, mất mát nhỉ? Thử hỏi, vì sao người ta lại chặt cả cánh rừng bạch dương và đồi thông đi như thế? Vì sao những bãi thả gia súc quý như vậy lại bị bỏ hoang? Tại sao người ta luôn làm những việc chẳng cần thiết? Vì sao Iakov cả đời lúc nào cũng luôn miệng chửi bới, gầm gừ, xấn xổ đấm đá, bắt nạt vợ mình? Thử hỏi, cần gì phải doạ nạt, lăng mạ một thằng Do Thái? Vì sao mọi người lại cứ cản trở nhau, không cho nhau sống? Chính điều này gây biết bao tổn thất! Những tổn thất khủng khiếp! Nếu không có sự ganh ghét, đố kỵ và độc ác, mọi người có thể mang lại cho nhau những lợi ích lớn đến nhường nào.Cả buổi tối và suốt đêm lão toàn mơ thấy đứa trẻ sơ sinh, cây liễu, cá, những con ngỗng bị đập chết, Marpha nhìn nghiêng giống như con chim khát nước, khuôn mặt nhợt nhạt, thảm hại của Rothschild, và những bộ mặt các kiểu từ mọi phía kéo đến nói về sự thiệt hại. Lão trở mình hết bên nọ sang bên kia và năm lần tỉnh dậy để kéo đàn.

Đến sáng lão gắng hết sức đứng dậy để tới bệnh viện. Cũng vẫn Masim Nikoliaich yêu cầu đắp khăn lạnh lên đầu, uống thuốc bột, và qua nét mặt cùng giọng nói của viên y tá, Iakov hiểu rằng việc của lão đã hỏng và không một thứ thuốc bột nào có thể cứu giúp được. Trên đường về nhà lão nghĩ cái chết chỉ mang lại ích lợi mà thôi: khỏi phải ăn, chẳng cần uống, lại không phải đóng thuế, không làm mếch lòng ai, và bởi vì con người nằm dưới đất không phải một, hai năm, mà hàng trăm, hàng nghìn năm, do đó, nếu tính hết, thì cả một nguồn lợi lớn. Cuộc sống đem lại cho con người sự thiệt thòi, còn cái chết lại cho nó những lợi lộc. Ý nghĩ này, tất nhiên, có lý, song dù sao nó cũng xúc phạm và thật cay đắng: Vì sao lại tồn tại trên đời một trật tự lạ lùng vậy, cuộc sống mà con người chỉ được hưởng một lần duy nhất, lại trôi qua chẳng chút ích lợi gì?……

(Truyện ngắn A. Sê- Khốp, NXB Hồng Đức, 2013)

Chú thích:

An- Tôn Páp-Lô-vích Sê-khốp (1860–1904) là nhà văn kiệt xuất của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói. Sáng tác của ông tập trung lên án một cách nghiêm khắc chế độ xã hội bất công, cuộc sống ăn hại của những kẻ ở trong đám cường quyền lúc bấy giờ, phê phán sự bất lực của giới trí thức, đồng cảm, trân trọng người lao động nghèo và thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai của nhân dân và đất nước Nga.