Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn

Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:

Tôi chưa gặp Hoàng Cầm để hỏi về quan niệm thơ của anh. Riêng tôi thì cho rằng, thơ thật sự phải là một cách giãi bày tâm sự độc đáo duy nhất, nghĩa là không thể thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác. Thơ mà dịch ra được đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng bằng văn xuôi thì coi như chưa phải là thơ. Thơ ra đời cốt để nói những điều tinh vi nhất, sâu kín nhất, mong manh nhất, mơ hồ nhất của tâm hồn con người. Thơ hiện đại càng phải như vậy. […]

Thơ ngày nay đường như lại muốn phân hóa thành hai phạm trù: phạm trù thơ và phạm trù siêu thơ. Thuộc phạm trù thơ là những tác phẩm hay hoặc dở, nhưng đều có thể hiểu được, giảng được một cách rành mạch. Còn bước vào phạm trù siêu thơ là bước vào một thế giới khác, thế giới siêu nhiên, siêu thực. Một thứ thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất. Nó đi hẳn vào cõi tiềm thức, vô thức và diễn tả bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức. Cố nhiên sáng tạo ra thứ thơ này phải là những nhân cách vô cùng trung thực, trung thực với mình, trung thực với người. Vì ở đây, ranh giới giữa cái chân thực và sự giả trá thật hết sức mong manh. Đây là thế giới không tuân theo logic thông thường, không nói năng bằng cú pháp thông thường. Lời lẽ, chữ nghĩa, hình ảnh như là phi lí, vô nghĩa. Nghĩa đen không có mà nghĩa bóng cũng chỉ cảm thấy mơ hồ. Lá Diêu Bông là gì? Có cái là gì trên đời này gọi là lá Diêu Bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy lá Diêu Bông? Nhưng chính cái ý nghĩa mơ hồ của nó và cái âm hưởng của nó sao cứ văng vẳng như là tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn và nghe mơ hồ như là tiếng gió: “Gió quê vi vút gọi”.

Có phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? Có phải là linh hồn của thôn nữ ngày xưa, của những cô Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xúy Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay là chính linh hồn ta đó, hòa cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:

Diêu bông hỡi!…ới Diêu Bông!…

Vâng, tôi gọi thế là phạm trù siêu thơ.

(Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, 2006)