Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Đi tìm triết lý giáo dục việt nam
Đọc ngữ liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:
“Nói là làm”, những hành động như “nhảy cầu tự tử”, “mang xăng đến đốt trường” hay tự mình công bố trên mạng internet những bức ảnh “nóng” của bản thân đã không còn là những chi tiết chỉ có trong tiểu thuyết.
Nó xảy ra ngay trong đời thực, trước mắt chúng ta và đó cũng chưa phải là những vụ cuối cùng.
Chúng ta, những người lớn nhìn vào đó cảm thấy bất an, lo âu. Ai dám chắc những chuyện như thế rồi sẽ không xảy ra với con cháu mình hay con cái những người mình thân thiết? Xa hơn nữa, đất nước của chúng ta, cộng đồng xã hội của chúng ta, những thứ có tồn tại và tiếp tục phát triển được hay không phải dựa vào tuổi trẻ, rồi đây 10, 20 năm nữa sẽ ra sao?
Những thanh thiếu niên, tuổi đời còn rất trẻ, chặng đường nhân sinh còn rất dài phía trước tại sao lại làm những hành động điên rồ như vậy?
Khi lí giải nguyên nhân tại sao thanh thiếu niên có những hành động bột phát và thiếu lí trí như trên, nhiều người dễ dàng “kết tội” rằng chính các trang mạng xã hội như Facebook và trào lưu “share, like” trên đó là thủ phạm.
Thoạt nhìn cách này có vẻ có lí khi hầu hết các hành động “điên rồ” kiểu “nói là làm” nói trên đều bắt đầu bằng những tuyên bố có tính thách đố trên mạng và nhận được sự quan tâm, theo dõi, cổ vũ của những người dùng mạng xã hội.
Tuy nhiên, ở đây, mạng xã hội hay Facebook chẳng có lỗi gì cả. Một con dao làm bếp bình thường cũng có thể trở thành hung khi giết người nếu nó rơi vào tay tội phạm. Thay vì kết tội con dao, hãy nhìn sâu vào bối cảnh xã hội nảy sinh các hiện tượng nói trên trong mối liên hệ với nhiều hiện tượng khác trong giới trẻ như bạo lực, ma túy và say mê thần tượng quá mức …
Mạng xã hội cũng chỉ là một công cụ sinh ra từ nhu cầu của con người và phục vụ đời sống của con người. Sử dụng nó để thưởng thức cuộc sống, tạo ra những điều tốt đẹp hay không là phụ thuộc vào môi trường thực, nơi những người dùng đang sống và nhận thức của họ về các quy tắc dùng không gian ảo.
(Đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam, Nguyễn Quốc Vương, NXB Tri thức, 2017, tr. 219 – 220)