Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Hát canh

" HÁT CANH
Hát canh được coi là hình thức diễn xướng đậm tính nghệ thuật nhất của dân ca quan họ, chỉ diễn ra ở nhà hát đặc trưng của quan họ: “Nhà chứa”, giữa các liền anh, liền chị của hai bọn quan họ kết nghĩa. Một canh hát Quan họ đúng lề lối xưa thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, mùa của hội chùa, hội đình làng vào đám, những nhóm Quan họ nam và nữ mời nhau đến nhà “ca một canh cho vui bầu vui bạn, vui xóm, vui làng, cầu may, cầu phúc”.
Canh hát thường được giữ đúng các lề lối như Quan họ đã định ra và thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Đôi khi, hội làng mở nhiều ngày, cũng có những canh hát kéo dài 2, 3 ngày đêm.
Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành 3 chặng:
Trong chặng đầu tiên, sau những nghi thức giao tiếp giữa Quan họ khách và Quan họ chủ, thường là bên nam, bên nữ, Quan họ đi vào chặng hát đầu tiên. Ở chặng hát này, người ta hát những giọng cổ cũng gọi là giọng Lề lối. Quan họ có đến 36 giọng cổ đã được ghi nhận trong một bài văn vần theo thể lục bát về tên các giọng trong một bài thơ sưu tầm được ở đền Vua Bà làng Diềm nhưng ngay ở quê hương của Vua Bà, các bọn quan họ cũng chỉ biết nhiều nhất được 20 giọng. Cho đến trước tháng 8-1945 thì chặng hát này thường chỉ hát chừng 5, 6 giọng: Hừ la, La rằng, Đương bạn (Bạn lan), Tình tang, Cây gạo, Cái ả… Các giọng cổ thường mang âm điệu cổ kính, chậm rãi, rền, nẩy, nhiều tiếng đệm lót, mang nhiều dấu hiệu đặc trưng của ca hát Quan họ truyền thống. Vai trò của giọng La rằng đặc biệt quan trọng trong giọng Lề lối, chi phối nghệ thuật ca hát trong chặng này. Hầu hết người Quan họ cho rằng không ca được bài La rằng cho vang, rền, nền, nẩy thì đừng nói chuyện ca Quan họ.
Chặng ca những bài cổ là chặng bắt buộc, được duy trì rất nghiêm, có thể coi là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ cơ bản của các đôi Quan họ.
Chặng giữa tiếp theo sau chặng hát những bài giọng cổ. Lúc này, Quan họ hát sang những bài thuộc hệ thống mà người Quan họ gọi là Giọng vặt. Tuyệt đại bộ phận các bài ca quan họ còn sưu tập được đến hôm nay là Giọng vặt, trong đó bao gồm nhiều những bài được coi là những ca khúc dân gian mẫu mực ở trình độ nghệ thuật cao của văn học và âm nhạc.
Vào chặng ca Giọng vặt, không phải ca theo một trình tự bắt buộc theo thứ tự tên các bài ca. Nhưng cũng do tập truyền lâu đời, các canh hát cũng có những trình tự không khác nhau nhiều. Trình tự này đã được người Quan họ chỉ rõ bằng một câu nói quen thuộc, cửa miệng: “Quan họ càng về khuya càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa”. Đó là khi những bài hát thiết tha thổn thức, về nỗi nhớ, niềm thương cùng những nỗi trăn trở suy tư về cuộc đời, về số phận con người tuôn chảy dào dạt, xao xuyến không cùng… Canh hát được đẩy tới cao trào của tình cảm và tài hoa của nghệ thuật ca hát…
Chặng cuối thường diễn ra vào khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, có thể cuối hoặc gần cuối chặng hát giữa, sau lúc người Quan họ mời nhau xơi tiệc mặn và tiệc ngọt có nơi uống rượu, có nơi không. Nếu nơi có uống rượu thì Quan họ chủ thường nâng chén rượu hát bài ca chuốc rượu để mời bạn. Sau bữa tiệc và tuần trầu, nước, Quan họ cũng có thể hát đối đáp thêm một số câu Giọng vặt nữa rồi chuyển sang ca những bài ca giã bạn, chuyển sang chặng cuối của canh hát.
Mở đầu chặng hát này thường là Quan họ khách bắt đầu ca một câu giã bạn tỏ ý xin tạm biệt ra về, và, để đối lại (không buộc phải theo lệ đối giọng) Quan họ chủ cũng ca bài giã bạn mang ý níu giữ khách. Những bài ca giã bạn được cất lên vào lúc giã hội hoặc vào khi tàn một canh hát, khoảng 2, 3 giờ sáng, trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc không nguôi… nên tình, ý, giai điệu thường rất xúc động lòng người. Những bài ca giã bạn quen thuộc và nổi tiếng còn lưu hành vẫn là các bài: “Tua rua chua đến đỉnh đầu”, “Tạm biệt từ đây”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Kẻ Bắc người Nam”, “Con Nhện giăng mùng”… Tiếp theo là cuộc tiễn đưa nhiều lưu luyến và lời hò hẹn “Người về đến hẹn lại lên”…
(Tìm về cội nguồn quan họ, Nhiều tác giả, NXB Sân khấu, 2009, tr.81-83)
Thực hiện các cau hỏi đọc hiểu bài Hát canh
"