Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Khói hoàng hôn

" Khói hoàng hôn
(Lược dẫn: Lão Thằn là một người nông dân nghèo khổ. Năm ba mươi ba tuổi, vợ lão mất, lão quyết chí ở vậy, lăn lộn đủ nghề để kiếm sống và nuôi đứa con trai duy nhất. Đứa con lão lớn lên, hết nghĩa vụ quân sự, vào Nam làm công nhân rồi lấy vợ. Đã nhiều lần người con trai định đón lão vào Nam, nhưng lão không chịu, vì cuộc đời lão đã gắn bó với quê hương, nơi có mồ mả ông bà và vợ của lão, nơi ghi dấu bao kỉ niệm của một thời tươi đẹp . Nhưng rồi đứa cháu bị cảm hàn, vợ chồng anh con trai không có tiền chạy chữa nên nó qua đời. Rồi thằng con trai của lão vì buồn phiền nên cũng đổ bệnh. Vì con, lão đành dứt ruột bán đi mảnh đất hương hỏa, khăn gói vào ở với con. Ở đó, lão luôn sống trong nỗi cô đơn, nỗi nhớ da diết về quê hương, xứ sở).
Mười mấy năm theo con vào Nam, không biết mấy trăm lần lão thò đầu qua ô cửa sổ, để gió nắng mơn trớn gương mặt già nua, khắc khổ. Trong sâu thẳm lòng mình, lão chờ đợi, lão khát khao một làn khói mỏng len lên trong bóng hoàng hôn. Len lên từ những chấm xanh nhỏ li ti. Những chấm xanh mà lão tin, nơi ấy là miền quê lão hằng nhung nhớ. Trong đôi mắt ghèn gỉ, mờ đục lão nhìn thấy hàng mãn hảo thẳng tắp, xanh ngợp.
Hàng trăm lần ông lão Thằn thò đầu qua ô cửa sổ, hướng mắt tới những chấm xanh nhỏ li ti trong bóng chiều buông muộn để mong chờ một phép nhiệm màu.
Gió cuối mùa chấp chưởi trườn qua những góc nhà cao tầng. Gió quất vào mặt lão Thằn rát buốt. Gió u u thổi sượt qua mặt, gió làm tóc lão bết dính vào da đầu bạc phếch, nhăn nheo. Hơi gió mặn và nồng cho lão biết, năm lại sắp qua đi. Đã là ngày hai mươi hai tết rồi còn gì! Ngày này ở quê, nhà nhà đều rậm rịch. Ngày này ở quê, lão thường xuyên gom lá rụng, ngày gom đến mấy lần và châm lửa đốt khi chiều về. Lão ngồi nơi bậu cửa, nghe tiếng lửa reo tí tách. Trong làn khói mỏng loang tan, lão thấy bà Thằn đầu đội mủng có bánh đúc gạo đỏ, có thẻ hương trầm, có bơ cốm xanh nõn… Bà cười với cha con lão, bà ngồi nơi bậu cửa, giở từng thứ, từng thứ một.
Giây phút ấy, lão cho phép mình sống chậm, duy nhất khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc ngày sắp qua. Người lão đẫm hương khói, da thịt lão được ướp bởi cái vị nồng ấm thân thương ấy. Mọi muộn phiền, bươn chải của cuộc sống thường nhật bị cuốn theo làn khói ấm, nồng cay.
Lão nhớ! Nhớ phiên chợ với bánh đúc gạo đỏ nóng hổi ăn kèm viên đậu chao hành mỡ to bằng quả trứng. Lão nhớ, bà Thằn làm vỡ viên đậu trong bát nước mắm cay tạo thành một thứ nước sền sệt. Bánh đúc gạo đỏ chấm thứ nước sền sệt ấy thì ngon không tưởng nỗi. Lão nhớ! Nhưng, không bao giờ lão về được nơi đó, chẳng bao giờ lão về được nữa rồi!
Chỉ có khi lão chết đi.
Mà, khi lão chết, các con lão cũng không thể đưa lão về! Đưa lão về sao được khi mỗi tháng, dù chúng đã vắt kiệt sức mình, chi tiêu dè xẻn cũng chỉ dư được dăm trăm ngàn đồng! Về làm sao được khi hàng trăm thứ bà rằn cần đến tiền khi lão ngã sự. Mà, lão thì không thể tự mình vượt trăm núi nghìn sông để về Nơi ấy!
Về Nơi ấy! Nơi ấy bây giờ ở đâu trong khoảng không gian ngồn ngột, san sát nhà cửa? Nơi ấy bây giờ ở đâu khi vuông trời trên đầu lão là mảng màu xám tối của căn nhà ống dài hun hút ? Lão không xác định được phương hướng. Và mình lão, nếu chết đi rồi, lão sợ cũng khó tìm về được Nơi ấy.
Ông lão Thằn thò đầu qua ô cửa trên căn gác lửng. Gió lạnh hun hút giúp lão biết mình vẫn còn sống. Lão rên lên khe khẽ, mắt nhắm lại để cảm nhận mùi nắng, mùi gió, mùi ngai ngái như là mùi bùn đất mà đêm ngày lão nhung nhớ. Suốt ngày lão bị nhốt trong căn nhà ống đục lờ nhờ, ăn đúng món ăn ấy, ngồi đúng góc cửa ấy. […]
* * *
Ngôi nhà ống dài hun hút, không cửa sổ đóng kín cả ngày lẫn đêm. Nó được xây bằng tiền bán đất, bán nhà cộng với số tiền tiết kiệm của lão và vợ chồng thằng con trai. Ngôi nhà không có sân, chỉ chừa khoảng hai mét để làm nơi phơi quần áo. Ngày lão mới vào, cổng sắt còn có những ô nhỏ bằng hai bàn tay. Khi buồn quá, lão thường áp mặt vào song cửa, nhìn những tấm lưng đẫm mồ hôi, hối hả để kịp chuyến xe đò, hối hả về nhà sau một ngày mệt nhọc. Đôi mắt lão ghèn rỉ, vón cục, khô hoảnh nước mắt. Ước chi lão khóc được. Khóc một trận cho buồn tủi, muộn sầu chất chứa chảy hết ra ngoài.
Ông lão Thằn chậm chạp lần mò trong bóng tối. Có cảm giác, con người khổ đau ấy đang nếm thật chậm rãi nỗi cô đơn. Tự nhiên lão rùng mình. Một cơn lạnh chạy từ đỉnh đầu, chạy dọc xương sống tới gan bàn chân. Cơn lạnh làm mắt lão như díp lại, hai bàn tay không còn cảm giác. Trước mắt lão là những đốm lửa nhỏ li ti. Những đốm lửa nhảy múa, chờn vờn. Những đốm lửa đưa lão lên tít xa. Lão cố gắng mở to mắt, cố thu vào trong ấy những chấm xanh nhỏ phía xa tít kia! Đã hai hai tết rồi còn gì, đã là ngày người quê lão ngúm lửa từ chập chiều. Đã là ngày trẻ con, người già xúng xính áo quần xanh đỏ, đứng chật đường những phiên chợ!
Đã là ngày lối ngõ ấy mướt mát hai hàng cây mãn hảo, là ngày lão gom lá để đốt khi ngày sắp qua.
Đôi mắt choèn gỉ của lão chuồi ra hai giọt nước màu gio lạnh.
(Khói hoàng hôn, Tống Phú Sa, in trong Miền vô thực, tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2015)
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu bài Khói hoàng hôn
"