" Không một tiếng vang
(Lược dẫn: Vở kịch tái hiện bối cảnh cuộc sống khốn cùng của người dân trước Cách mạng tháng Tám, dưới thời Pháp thuộc. Nhà ông lão mù trước kia vốn thuộc bậc trung lưu, đang sống trong yên ấm thì một trận hỏa hoạn xảy ra, khiến người vợ bị chết cháy, người chồng bị bỏng nặng, mù hai con mắt, gia đình rơi vào cảnh tán gia bại sản. Ông lão mù và vợ chồng người con trai phải mướn nhà của lão Thông Xạ để ở, kiếm ăn độ nhật qua ngày. Do thiếu tiền thuê nhà nên lão Thông Xạ năm lần bảy lượt đến đòi nợ và dọa sẽ đuổi cả nhà ra đường nếu không trả đủ tiền. Hôm ấy, lão Thông Xạ lại đến. Ông lão mù hẹn khi con trai đi làm về sẽ gắng trả. Lão Thông Xạ bỏ đi, nói tối sẽ quay lại để lấy tiền. Nhưng người con trai đi làm bị cai ăn chặn tiền lương. Quẫn chí, anh liều đi ăn trộm để kiếm tiền. Buổi tối, lão Thông Xạ trở lại…).
HỒI THỨ BA
Cảnh I
(Màn mở: ông lão nằm trong đống chiếu đã ngủ yên. Người con dâu ngồi gục đầu bên ngọn đèn con, nét mặt buồn rầu. Chợt có tiếng gõ cửa, mặt chị biến sắc, rón rén ra mở. Thầy Thông Xạ mặt đỏ gay những rượu, ngả nghiêng bước vào).
THÔNG XẠ: – Đâu? Con giai ông đâu? Tôi đến lần này là lần cuối cùng, ông hiểu chưa?
ÔNG LÃO: – Thưa ông, cháu chưa về…
THÔNG XẠ: – Chẳng qua là ông không muốn trả tiền tôi nên cứ nói quanh nói quẩn thế, biết chưa? Ông tưởng con ông lẩn mặt đi là tôi không còn cách gì đòi được nữa, phải không? Ông thử nghĩ xem: một buổi tối hôm nay mà ông sai hẹn với tôi đến hai lần, cho ông thuê nhà thế này, liệu có đủ tiền xe cho tôi đi đòi không? Ông phải biết, muốn thuê nhà mà không muốn trả tiền thì đã có bóp[1] nhà nước. Có thật ông muốn chầy với tôi thì ông bảo…
CÔ CON DÂU (gượng lên từ nãy, chạy đến đứng sau lưng bố, mặt tái).
ÔNG LÃO: – Xin ông chớ vội nóng nảy, ông hãy để tôi được thưa chuyện hầu ông. Tôi vẫn biết rằng đã phải khất khứa với ông nhiều lần lắm rồi, nay dẫu có nói thực tình, tất cũng khó lòng để ông tin được nữa… Nhưng quả thật tình cảnh bố con nhà tôi khổ sở đến thế này là cùng…
THÔNG XẠ: – Ôi chà! Việc gì mà phải lôi thôi… Còn ai lạ gì cái thói khất nợ?
ÔNG LÃO: – Nào phải có tiền mà dám trì hoãn, không trả hầu ông ngay đâu.
THÔNG XẠ: – Thế làm sao? Chưa được lĩnh tiền à? Sao mà lắm giọng thế?
ÔNG LÃO: – Cháu được lĩnh tiền rồi nên lúc nãy tôi mới dám hẹn ông quay xe lại. Nhưng lúc cháu về tôi mới biết là lĩnh được đồng nào lại phải đưa ra cả để lễ cái ông cai trong sở…
THÔNG XẠ: – Thế nó đâu?
ÔNG LÃO: – Tôi hỏi đến tiền nhà thì cháu vội tất tả ra đi, dễ thường đi vay mượn quanh quẩn mấy người trong sở cháu làm…
THÔNG XẠ: – Hừ!… Lắm giọng thật. Thôi, không cần phải kể kể con cà con kê nữa. Ông định trả tiền nhà hay thật ông định xoay tôi thì bảo… Thế nào?
ÔNG LÃO: – Thưa ông, quả thật chúng tôi đến lúc cùng quẫn quá đi mất, không còn trông mong vào ai được nữa, chỉ còn dám nhờ lượng ông, xin ông thương hại…
THÔNG XẠ: – Thương! Thương thế nào? Dễ thương thì mời ông ở không lấy tiền chắc? Hay ông muốn xin khất lần nữa? Ông có là bố tôi? Anh em họ hàng nhà tôi chán ra đấy kia cũng chẳng bầy nhầy với tôi được như thế.
ÔNG LÃO: – Thưa ông, dẫu bây giờ ông bắt thế nào chúng tôi cũng phải chịu, nhưng xin ông nghĩ lại một chút. Phải chạy trả ngay ông số tiền ấy, chúng tôi không thể chạy được, mà số tiền sáu đồng bạc vào tay ông thì chẳng qua như muối bỏ bể, thôi thì trăm sự nhờ ông, ông ăn tiêu về nhiều, ông nới tay cho chúng tôi được có phần trông cậy…
THÔNG XẠ: – Thôi! Thôi thôi!!! Không phải rườm lời sốt ruột, tôi cũng không cần đòi ông nữa… Đã có pháp luật đòi cho tôi. Một là chính ông, hai là con giai ông, ai muốn vào bóp ngồi thay tiền nhà cũng được.
CÔ CON DÂU (nói liều): – Thưa ông, năm ngoái chúng tôi cũng có nhà cửa cho người ta thuê tử tế chứ không khổ sở như thế này đâu… Chỉ vì người ta chưa kịp trả tiền, chúng tôi đã xử với người ta quá tàn nhẫn nên bây giờ chúng tôi lại phải quy lụy trước mặt ông thế này, có lẽ giời báo ứng cho bõ lúc chúng tôi cậy tiền hống hách đấy ạ.
THÔNG XẠ (sừng sộ tát hụt người con dâu một cái): – Mày nói nữa đi ông xem. Mày vừa khất nợ mày lại vừa chửi xỏ ông à? Đồ đạc nhà mày rồi ông quăng mẹ nó ra đường hết, bố con nhà mày rồi ông gọi đội xếp[2] cho họ xích cổ cả lại… Mày láo với ông mà được à?… (dúi ông lão một cái) Còn cái lão mù này nữa… Có con không biết dạy, để nó nói nghe có lọt tai không? […]
(Trích vở bi kịch nhân sinh Không một tiếng vang, Vũ Trọng Phụng, in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.364-367)
Chú thích: không một tiếng vang ; đọc hiểu không một tiếng vang
[1] Bóp: đồn cảnh sát.
[2] Đội xếp: cảnh sát thời Pháp thuộc.
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu bài Không một tiếng vang
"