Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Mùa hồn nhiên

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Mùa hồn nhiên

Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:

(1) Sáng đầu hè nhưng trời còn se lạnh. Bé cứ muốn mặc váy đi học. Bố nói: “Hãy chờ cho trời thực sự nóng ấm để chân con thẳng ra thì mặc váy mới đẹp”. Bé rất quan tâm: “Vì sao trời nóng lên thì chân con sẽ thẳng ra?”. Bố trả lời: “Đơn giản thôi, trời lạnh, con nằm ngủ cứ còng queo nên chân cong một chút thôi!”. Bé gật gù rồi hoan hỉ mặc quần dài đến lớp.

(2) Không nói thì em cũng đoán được những lời trên đây dành cho bé con tuổi lớp 1, lớp 2. Tuổi của mùa hồn nhiên. Cũng chỉ trong mùa hồn nhiên người ta mới hỏi: “Con cún nằm gối đầu lên chân trước như thế thì có bị tê tay không bố?”

(3) Sống trong đời giá mà được hồn nhiên mãi. Nhưng, mùa hồn nhiên không kéo dài. Như chú bé trong câu thơ nọ có một con gà đất bị vỡ.

Con gà đất thổi kêu te te.

Mẹ ít tiền không đủ mua con khác.

Hẹn con mùa xuân năm sau.

Mùa xuân năm sau tuổi thơ đi qua.

Con gà đất của anh không còn gáy nữa.

Hạnh phúc chuyền môi một thằng bé bên nhà.

Lời mẹ hẹn thành xót xa…

(4) Vậy mà, đôi khi tôi thấy rất nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn thổi mãi con gà đất khi mùa hồn nhiên đã qua. Nghĩa là họ từ chối lớn khôn để được ủ mãi trong đôi cánh của mẹ, không chịu trưởng thành để can đảm đối diện với ý thức, trách nhiệm và bổn phận.

(5) Ấy là khi một trang thiếu niên lớp 6 mà không biết thổi cơm, rửa bát giúp mẹ, chỉ biết ngồi chờ mẹ dọn lên rồi ăn như cậu bé lên ba. Ấy là khi cô bạn lớp 7 ngồi trên ghế và “biết” co chân cho mẹ quét nhà, hồn nhiên như một bé em mẫu giáo. Là khi cô nàng hai mươi tuổi về quê nội chỉ con chó mực hỏi con zì kỳ zậy? đến khi bị mực ta xực cho một miếng mới la hoảng: Chó! Chó! Đúng là hồn nhiên như cô t(đ)iên!

6) Lịch sử của nhân loại cũng như đời người. Có tuổi hồn nhiên, có tuổi trưởng thành. Theo Nguyễn Trường Tộ, nước ta từ thời Bắc thuộc và triều Tiền Lê trở về trước cũng ví như tuổi nhi đồng. Từ thời nhà Trần về trước cũng như tuổi thiếu niên. Kịp đến ngày nay (triều Tự Đức, nửa sau thế kỷ 19) mới là tuổi khôn sức mạnh. Ấy thế mà, cái gọi là “tuổi khôn sức mạnh” đó cũng đã từ chối tiến hóa, từ chối trưởng thành, thổi mãi con gà đất, dẫn đến quê hương tan rã mất 100 năm. Nên nỗi đầu thế kỷ 20, Tản Đà phải rên lên:

Dân hai mươi triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con?

(7) Đất nước trưởng thành là đất nước không chỉ giàu vật chất. Cái ăn cái mặc chỉ thỏa mãn thang bậc thấp nhất trong tháp nhu cầu của Maslow. Mà phải là một đất nước thịnh vượng đi đôi với công bằng có văn hóa, có đạo đức, được cộng đồng quốc tế kính trọng. Đó phải là một đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đất nước của mùa hồn nhiên.

(Theo Gửi em mây trắng, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 30-34)