Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Những hình ảnh giàu khả năng biểu đạt trong một bài ca dao

" NHỮNG HÌNH ẢNH GIÀU KHẢ NĂNG BIỂU ĐẠT TRONG MỘT BÀI CA DAO
Đối với nhiều người, câu: “Gái thương chồngđương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” có lẽ không phải là xa lạ. Nhưng lí giải nó thì không hẳn ai cũng đúng. Người ta tranh luận: Câu ca dao đề cao người vợ hay người chồng? Một số người cho rằng đó là câu đề cao tình thương của người vợ đối với người chồng và đánh giá thấp tình thương của người chồng đối với vợ. Một số khác thì hiểu ngược lại. Mỗi người đều có những lí lẽ để bênh vực cho ý kiến của mình. Song có lẽ đó chỉ là những ý kiến cực đoan. Chẳng lẽ ở đây lại là sự đề cao hay hạ thấp người chồng hoặc người vợ khi điều không thể phủ nhận được là trong cuộc sống gia đình đều có những người chồng thương vợ hay những người vợ thương chồng?
Vì thế điều cần khẳng định ngay ở đây là: câu ca dao hoàn toàn không đề cao ai, hạ thấp ai, mà thực chất nó chính là kinh nghiệm của trí tuệ dân gian về quan hệ tình cảm vợ chồng. Mặt khác đáng nói hơn là kinh nghiệm đó được biểu đạt một cách ngắn gọn, súc tích.
Vậy kinh nghiệm đó là gì và cách biểu đạt như thế nào? Để trả lời được câu hỏi đó, hãy quay về với bài ca dao. Trong mỗi câu có thể tách làm hai phần:
“Gái thương chồng / đương đông buổi chợ
Trai thương vợ / nắng quái chiều hôm”.
Khi xét mối quan hệ của hai phần đó sẽ có hai khả năng xẩy ra:
Khả năng thứ nhất: hai hình ảnh “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” là trạng ngữ của “gái thương chồng” và “trai thương vợ”. Nói cách khác, chúng ta có thể hiểu: “Gái thương chồng (khi) đương đông buổi chợ / Trai thương vợ (khi) nắng quái chiều hôm”. Như vậy, câu ca dao sẽ là tình thương chồng – vợ với những thời điểm mà tình cảm đó phải thử thách, trải qua. Hình ảnh “đương đông buổi chợ” khiến người ta liên tưởng tới những người vợ vì thương chồng mà tảo tần vất vả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. (…) Còn những người chồng thương vợ cũng không kém phần vất vả khi phải chịu cái “nắng quái chiều hôm”. Khác với nắng giữa trưa, “nắng quái chiều hôm” tuy là nắng cuối ngày, kém phần gay gắt, nhưng tia nắng sắc, xiên ngang vào mặt người, gây cảm giác khó chịu.
Khả năng thứ hai: “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” là những hình ảnh so sánh. Khi đó chúng ta có thể hiểu: “Gái thương chồng (như) đương đông buổi chợ / Trai thương vợ (như) nắng quái chiều hôm”. Nếu như vậy, câu ca dao lại đề cập đến cách thức thể hiện tình cảm của người vợ đối với người chồng cũng như người chồng đối với người vợ. Cũng là một chữ “thương” thôi nhưng người vợ thường biểu hiện tình cảm đó một cách ồn ào, có khi ầm ĩ đến căng thẳng tựa như phiên chợ đang lúc đông nhất; còn người chồng thương vợ thì trầm lặng hơn, kín đáo hơn song có khi đến mức khó chịu tựa cái nắng quái chiều hôm.
Đó là cái đặc sắc trong cách biểu đạt của bài ca dao này, là nó đã lựa chọn được những hình ảnh cho phép những cách hiểu khác nhau, mỗi cách đều đúng, vừa thể hiện được những khía cạnh phong phú, vừa khẳng định được tình thương yêu trong cuộc sống tình cảm vợ chồng.
(Tùng Văn, in trong Đi tìm vẻ đẹp văn chương, Thân Phương Thu tuyển chọn, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018)
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu bài Những hình ảnh giàu khả năng biểu đạt trong một bài ca dao:
"