Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Những người mộng mơ "bằng cấp không quan trọng"

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Những người mộng mơ "bằng cấp không quan trọng"

Đọc ngữ liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:

“Trình độ chuyên môn thực tế quan trọng hơn bằng cấp”, đó là tư tưởng rất sai lầm của nhiều bạn trẻ ngày nay.
Dạo gần đây, tôi thấy nhiều người cổ súy cho việc đánh giá thấp bằng cấp. Người ta luôn lấy những chuyện không học vẫn giỏi, vẫn làm sếp, vẫn giàu ra để minh chứng. Đúng là vẫn có những trường hợp người ít học làm sếp của người học cao, nhưng đó chỉ là một số lượng rất ít. Còn về cơ bản, người có bằng cấp vẫn luôn hơn người không có bằng, cũng như điểm 10 chắc chắn phải hơn điểm 5, bằng giỏi phải hơn bằng trung bình.
Mỗi loại bằng cấp đều có một vị trí, giá trị riêng của nó. Chẳng hạn như bằng cao đẳng sẽ có giá hơn bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT. Còn đòi hỏi bằng cao đẳng được coi trọng như bằng đại học thì rõ ràng là không phù hợp. Thậm chí, bằng đại học của trường top đầu cũng hơn trường top dưới nữa.
“Sau này, trình độ chuyên môn thực tế sẽ quan trọng hơn bằng cấp”, nếu giữ quan điểm này thì chẳng lẽ không ai cần đi học nữa? Bằng cấp cho thấy người đó được đào tạo tốt hơn người không được đào tạo, và là căn cứ để lựa chọn ứng cử viên ngay từ vòng xét duyệt hồ sơ tuyển dụng.
Tất cả những người bảo chỉ cần đảm bảo chất lượng công việc mà không cần bằng cấp đều rất sai lầm. Nếu những người đó có công ty riêng, liệu họ có dám tuyển hàng loạt người không có bằng cấp để làm việc cho mình? Liệu những người không bằng cấp đó có giúp đem về thêm những nhân tài cho công ty? Tôi nghĩ rằng hầu hết những người đứng đầu doanh nghiệp có tầm nhìn đều không làm như vậy, trừ vài trường hợp vô tình tìm được “ngọc nổi” ngay trước mắt.
Câu chuyện xếp loại bằng cấp cũng vậy. Tôi ủng hộ vì đó là việc cần thiết để giảm thiểu thời gian sàng lọc hồ sơ cho nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng muốn tìm vị trí lương cao có thể lấy những ứng viên có bằng khá, giỏi rồi mới xem bảng điểm sau. Còn nói bằng trung bình mà vẫn có năng lực thì cũng đúng nhưng tỷ lệ chỉ là cá biệt. Ai có nhiều thời gian có thể đăng tuyển và đọc đủ hồ sơ của tất tần tật sinh viên ra trường, để đãi cát tìm một mẩu vàng?
Tóm lại, học gì là do năng lực của bạn, nếu bạn đủ giỏi hãy vào trường đại học hàng đầu, còn nếu không đủ giỏi thì ta cũng nên chấp nhận học cao đẳng vì nó vẫn còn hơn trung cấp hoặc không có bằng cấp gì. Thế nên, thay vì thắc mắc “có cần học cao, có cần bằng cấp không?” hãy tìm câu trả lời cho câu hỏi “nên học đại học này hay cao đẳng kia, trường nào phù hợp hơn?”.

(Bảo, đăng trên mục Ý kiến đời sống của vnexpress. net)