Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Những vòng quay của mẹ về đâu

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Những vòng quay của mẹ về đâu

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

Cậu em gửi cho tôi hình mẹ già đang xay bột. Thế là cả một trời thương ùa về. Tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi làm bánh mùng ba tháng ba.
Nhà tôi không có cối xay. Mỗi dịp Tết trôi chay, mẹ lại đôn đáo lo xay bột nhờ. Làng trên xóm dưới, mẹ không nhờ được nhà này, lại nháo nhào chạy tới nhà kia. Bởi xay bột thì lâu, mà cả xóm ríu ran sắp hàng chờ tới lượt. Thương nhất là một lần mẹ xay về thì đã tối muộn, ba giờ sáng trở dậy, bột vẫn nhèo nhèo, mẹ phải vùi vào thùng tro để hút nước thật nhanh. Năm đó, đĩa bánh ngả màu đùng đục chứ không được trắng ngà trắng ngọc như mọi lần. Mẹ nâng đĩa bánh lên thắp hương mà cứ ngùi ngụi như thể mắc lỗi gì.
Ngày bé, tôi thích đi theo mẹ lắm, xăm xắn cầm giùm mẹ chiếc bát sắt con, chiếc chậu nhôm hứng bột. Cái cảm giác mình cũng “có công” nó hạnh phúc chừng nào. Đến nhà bà lão đầu xóm, mẹ nhanh tay rửa sạch từng kẽ cối. Xong đâu đó, mẹ cầm chiếc tay quay bằng gỗ lim nâu óng bắt đầu khởi động.Chiếc cối đá to, nặng trịch vậy mà mẹ đưa tay kéo khẽ vào lòng, rồi lựa, lái thật nhẹ, thật êm khiến chiếc cối ngoan ngoãn quay tròn đầy diệu nghệ. Mẹ múc bát gạo đổ vào. Cứ thế, đều đặn, bát gạo, bát nước xen nhau. Từng đụn gạo trắng ngần từ từ tụt xuống. Mẹ quay liền tay, không phút nào ngưng nghỉ. Tôi nhìn theo tay mẹ, theo ngõng cối quay mà thán phục sao mẹ có thể kiên trì và khéo léo như thế được. Lớn lên một chút, thấy mẹ đổi tay luôn, tôi đòi mẹ cho mình quay thử. Nhưng mấy lần bánh cối cứ trật ra, thành thử tôi chỉ biết đỡ mẹ xúc gạo, rồi đủn gạo xuống sao cho thật nhịp nhàng.
Tôi nhớ lắm những buổi trưa yên ắng chỉ có hai mẹ con bên chiếc cối đá quay chầm chậm, trên hiên nhà xanh rêu, loang vài bông hoa nắng dịu hiền. Những lần ấy, nghe tiếng dạ dày sôi lên ục ục, tiếng thở nằng nặng hơn từ mẹ, tôi hối thúc mình làm nhanh thêm một chút để mẹ được ăn cơm. Nhìn những đụn gạo cứ vơi dần, vơi dần mà lòng tôi hạnh phúc. Còn mẹ thì cười nhìn tôi, cái cười hiền hậu, dịu dàng khôn tả. (…) Xay xong lần một, mẹ lại tiếp tục quay thêm lần hai, lần ba. Mẹ bảo, phải xay nhiều lần như vậy thì bột mới mịn mềm, bánh mới óng đẹp và quện dẻo thật đều. Rồi mẹ rì rầm kể bao nhiêu chuyện. Mẹ ríu rít kể rằng quê ngoại ăn Tết này to lắm. Nhà mẹ làm bánh trôi chay, bánh rán, bánh rợm, để dâng cúng tổ tiên, để biếu các cụ hai bên nội ngoại… Mẹ không nói hết, ánh mắt đã cụp xuống ngân ngấn buồn. Tôi nhận ra điều ấy vì hôm nay là ngày giỗ cậu tôi. Cậu liền kề ngay sau mẹ, là liệt sỹ trên chiến trường miền Nam. Cậu mất đúng ngày mùng hai tháng ba. Nhưng mẹ lấy cha tôi xa biền biệt. Tôi biết, chưa khi nào mẹ được về thăm nhà vào dịp Tết trôi chay…
Mùng ba tháng ba lại tới. Chiếc cối năm xưa đã nằm im ở một nơi nào, tôi không rõ nữa. Duy chỉ chiếc cối thời gian vẫn lừng lững quay rất đỗi vô tình. Bần thần ngắm những khối bột xanh đỏ tím vàng bán đầy khắp phố, sau vài phút rèo rèo của chiếc máy xay, tôi chợt giật mình. Có phải tôi là hạt gạo nếp năm xưa bị xiết giữa đôi bờ quên – nhớ? Mà ngậm ngùi thương mẹ, rưng rức hỏi lòng: Những vòng quay của mẹ về đâu?”

(“Những vòng quay của mẹ về đâu?” – Tản văn của Dương Châu Giang)