Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Quốc gia nào cũng có những điểm mạnh điểm yếu riêng
Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:
(1) Quốc gia nào cũng có những điểm mạnh điểm yếu riêng. Việt Nam là một nước nhỏ, thấp và vị trí không thuận lợi. Ta không phải là dân tộc có nền văn minh kì vĩ, giàu có hay lâu đời như Hi Lạp, La Mã, Ai Cập, Nhật Bản, Nga, Pháp,… Thậm chí một tôn giáo riêng, chữ viết riêng chúng ta còn phải vay mượn. Xét về hiện đại thì chúng ta càng không phải là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, công nghệ. Nếu xét về tính cạnh tranh thì Việt Nam còn yếu tố bất lợi thứ ba, đó là đứng cạnh một quốc gia quá lớn mạnh so với ta về nhiều mặt. Điều này tương tự như một con thuyền nhỏ sẽ rất khó lèo lái khi đi cạnh một hạm thuyền lớn.
(2) Tuy nhiên, các yếu tố trên không hoàn toàn chỉ là bất lợi. Trên đường có nhiều xe chạy. Nếu khi tắc nghẽn, xe nhỏ có thể luồn lách, băng lên trước. Nếu va quệt, tai nạn thì đỡ thiệt hại hơn, dễ khắc phục hơn.
(3) Hội nhập WTO là một cơ hội tốt để được cộng hưởng, hội tụ từ lực bên trong tới thế giới bên ngoài. Ở bên trong, kinh tế luôn tăng trưởng khá ngoạn mục. Việt Nam đã chứng tỏ mình là một quốc gia thật sự an toàn, hòa bình và thân thiện, cởi mở. Thế cờ quốc tế cũng đang có nhiều điểm lợi cho ta. Con thuyền Việt Nam đã nhập vào dòng chảy phát triển thì cho dù ta chưa đẩy mạnh được thuyền thì cũng đã được dòng nước đưa đi. Ta chỉ cần không ngược mái chèo, không lạc hướng, đừng phạm luật để bị loại ra và hãy cố chạy cho nhanh mà thôi.
(4) Vấn đề là bây giờ Việt Nam cần làm gì để tận dụng thế cờ. Với bên ngoài, ta phải tránh căn bệnh kiêu ngạo mà hãy luôn khiêm tốn. Ngược lại, ta cũng không thể tự ti. Kiêu ngạo và tự ti đều đã từng làm nên những ổ khóa, xích xiềng giam giữ và trói buộc chúng ta sau cánh cửa lạc hậu và ngột ngạt. Cũng đừng nên cảnh giác một cách cực đoan. Hãy mở rộng cửa cho tất cả những người Việt nào có thể đem lại lợi ích cho dân tộc. Hãy khơi dậy, phát huy, vun trồng những giá trị, tài năng và sức mạnh dân tộc, như Bác Hồ đã từng thu hút xung quanh mình những Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng…
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr. 54-55)