Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Rác thải nhựa – Thảm họa toàn cầu

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Rác thải nhựa – Thảm họa toàn cầu

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường – SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những chiếc túi tưởng như quen thuộc và vô hại, thường được làm từ polyethylene, cần phải có nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. Để tạo ra 14 chiếc túi nilon, nhà sản xuất cần lượng nhiên liệu tương đương cần thiết để lái chiếc xe 1 dặm. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chỉ đơn giản là dùng túi nilon một lần rồi thải ra môi trường. Mỗi tấn túi nilon được tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tương đương với 11 thùng dầu, nhưng chúng ta chỉ tái chế khoảng 1% số lượng túi nilon sử dụng mỗi năm. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất. Ai cũng biết công dụng và mức độ tiện lợi của túi nilon, nhưng không phải ai cũng nhận thức được vòng đời của chúng sau khi bị con người bỏ vào thùng rác. Những chiếc túi ấy sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc bị thổi bay ra môi trường xung quanh, hòa vào những loại rác thải nhựa mà chúng ta vứt bỏ mỗi năm. Khoảng 10% tổng số rác thải nhựa này sẽ trôi ra biển. Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, trong số hàng triệu tấn nhựa được sản xuất gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Ở rãnh Mariana – nơi sâu nhất dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10.975m), túi nilon cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên, hiện nay chính xác có bao nhiêu túi nilon ở đại dương là câu hỏi rất khó để trả lời.
Các nhà khoa học đã ghi nhận tác động tiêu cực của túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương. Kể cả tồn tại ở dạng túi ni lông hay hạt vi nhựa, rác thải nhựa đại dương đều tiềm ẩn mối đe dọa với hệ sinh thái biển, gồm các động thực vật hoang dã dưới lòng biển cùng sức khỏe con người. Động vật hoang dã, chẳng hạn như rùa biển, có thể chết hoặc bị thương nếu vướng vào rác thải nhựa, trong đó có các loại túi nilon. Rất nhiều loài động vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa, từ chim đến rùa, cá voi và các loại sinh vật biển khác. Chúng ăn phải rác thải nhựa vì lầm tưởng là con mồi, rồi chết đói do nhựa tích tụ trong hệ tiêu hóa của chúng. Ăn phải nhựa cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề vận động đối với nhiều động vật có vú trên biển và các sinh vật khác. Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.
(Xác một chú chim trên đảo Midway Atoll tại khu vực Thái Bình Dương)
Tuy nhiên, tác hại của nhựa không chỉ dừng ở mức gây nguy hại đến sức khỏe đơn thuần. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa đại dương có thể gây ra biến đổi khí hậu. Năm 2019, Trung tâm Luật môi trường quốc tế (CIEL) ước tính quá trình sản xuất và đốt rác thải nhựa sẽ thải ra thêm 850 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển – tương đương với khối lượng khí thải của 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 2,8 triệu tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm – tương đương của 615 nhà máy nhiệt điện than…
(Trích từ bài viết của tác giả Hồng Nam, theo https://vtc.vn/rac-thai-nhua-dai-duong-moi-de-doa-cua-toan-nhan-loai-ar702209.html, 03/10/2022)