Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Sống sao cho giá trị

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Sống sao cho giá trị

Đọc ngữ liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:

 Giá trị sống là giá trị của chính mình. Vì không có mình thì làm gì có cuộc sống! Bàn về giá trị cuộc sống là bàn về chính ta với các câu hỏi như: ta là gì; ta phải làm gì để sống cho đúng một con người… Và khi sống mà ta được nhiều người kính trọng, quý mến và noi gương thì tức là ta đã xác định và thể hiện được các giá trị sống.
Trong đa số năm tháng của đời mình, ít khi ta sống một mình. Hơn nữa cuộc sống mà chỉ có mỗi một mình ta thôi thì đó là một cuộc đời buồn. Lý do là ta cần sự yêu thương, vỗ về, giúp đỡ, an ủi. Đó là những thứ chỉ đến với ta từ người khác. Do vậy, khi sống ta cần người khác. Tầm quan trọng của người khác đối với ta thay đổi mức độ tuỳ theo tuổi tác của ta. Khi trẻ chúng ta ít cần người khác, đến tuổi trung niên ta cần họ nhiều hơn và khi ốm yếu già cả thì ta rất cần người khác. Vì sự cần người khác của ta thay đổi, cho nên giá trị cuộc sống của ta cũng thay đổi theo tuổi tác. Vào thời trai trẻ, ta ít cần người khác, nên ít nghĩ đến mình. Cuộc sống tràn trề sinh lực. Vì vậy vào thời kỳ đó ta dễ quên mình để theo đuổi các lí tưởng cao đẹp, mà đa phần là có lợi cho việc chung. Nhờ sự xả thân của tuổi trẻ, xã hội, đất nước sẽ có nhiều tiến bộ về kinh tế, chính trị, xã hội… Giới trẻ làm đất nước phát triển. Đó là giá trị sống của người trẻ. Đến tuổi trung niên, ta có gia đình, có vợ chồng để lo cho nhau trong hiện tại, có con cái để lo cho tương lai. Giá trị của cuộc sống trong giai đoạn này là chu toàn trách nhiệm đối với chính mình, với hiện tại và với tương lai. Vào lúc ấy giá trị sống là xây dựng một gia đình hạnh phúc để làm nền tảng cho sự bền vững lâu dài của quốc gia, và cũng là để cho ta được hưởng các niềm vui của cuộc sống vợ chồng, con cái. Vào lúc tuổi già, khi con cái đã lớn khôn, thì giá trị của cuộc sống là truyền đạt các kinh nghiệm khác nhau về nghề nghiệp, cuộc sống, kiến thức và đạo đức cho thế hệ sau. Vào tuổi này việc làm gương và rao truyền đạo đức là giá trị sống.
Để thực thi các giá trị sống khác nhau theo thời gian thì ta phải trang bị cho mình, hay được trang bị ngay từ nhỏ các đức hạnh căn bản (sự tiết độ, lòng thương người, tinh thần trách nhiệm, tình bằng hữu, chăm chỉ làm việc, can đảm, kiên nhẫn, ngay thẳng, trung thành…). Có chúng trong lòng, tự nhiên ta sẽ thấy phải chống lại những gì xấu và phát huy những gì tốt trong xã hội.

(“Sống sao cho giá trị”, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, http://vietnamnet.vn/vn/giao- duc/song-sao-cho-gia-tri-162944.html)