Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài thằng cung lê văn thảo

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài thằng cung lê văn thảo

Đọc ngữ liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:

Về Long Xuyên thăm nhà tôi hỏi thăm thì nghe tin chú Cung đã mất.
Tôi nhẩm tính: vậy là chú Cung đã già lắm rồi. Đây là lần đầu tiên tôi tính đến tuổi chú Cung. Từ lâu trong trí tôi – và chắc rằng cả mọi người trong làng – chú Cung như người không có tuổi. Tôi nhớ hồi tôi còn rất nhỏ, chú Cung đã là người già rồi, lưng chú hơi cong cong, người ốm ròm, mặt đen xạm, dáng đi tất bật, lầm lũi, cứ như sắp đổ về phía trước. Chú già như thế rồi không già nữa, mọi người gọi chú là “thằng Cung”. Chú là người hơi ngớ ngẩn, người ta nói vậy, riêng tôi chỉ thấy chú có tật lầm lì ít nói, đúng ra không thấy chú mở miệng bao giờ. Quanh năm chú bận một bộ đồ bà ba đen bạc phếch được mạng vá cẩn thận, tóc để dài bới lại thành búi nhỏ phía sau ót. Hằng ngày chú đi rảo khắp làng nhưng không ai biết chú ở đâu, có lẽ chú không có nhà cửa gì cả, tiện đâu ngủ đó thôi. Còn công việc làm của chú thì như thế này: chú nhớ hết các ngày giỗ trong làng, hoặc ngày đám cưới đám gả, ngày đoạn tang”, trước đó một ngày chú đến nhà có đám xách nước đổ đầy hết các lu hũ để ngày hôm sau được “đãi” một bữa ăn được dọn riêng ở một góc sau bếp, đồ dư thừa còn lại của cuộc tiệc. Thuở đó tôi chưa tính được giữa công gánh nước của chú với bữa ăn đó giá trị hơn kém nhau như thế nào. Nhưng tôi thấy rõ, thật kì lạ nhưng cũng hợp với lẽ thông thường, tuy mọi người đối xử tệ với chú nhưng ai cũng thương chú. Bởi chú quá hiền lành, bảo gì làm nấy chớ chẳng cãi lại ai bao giờ. (Chú có nói gì đâu mà cãi). Hơn nữa việc làm của chú tuy hèn mọn nhưng cần thiết, thử hỏi ai làm thay công việc này?
[…] Thường đáp lại những trò đùa của chúng tôi, chú Cung chỉ cười. Chúng tôi có quá quắt lắm chú chỉ nghiêm nét mặt nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn buồn, không hề la rầy quát mắng chúng tôi hoặc mét bảo với người lớn.
Tin chú Cung mất khiến tôi bàng hoàng, cảm thấy như mất mát một cái gì. Tôi dành ít phút ra ngồi ngoài bờ sông nhớ lại chú. Thật ra là tôi nhớ lại thời thơ ấu của tôi. Năm đó tôi mười hai hay mười ba gì đó […] Chúng tôi ăn thật mau rồi đi ra sau bếp. Chú Cung đang ngồi xổm ở đó chờ cuộc tiệc xong, người ta dọn cho chú ăn. Chúng tôi cũng ngồi đợi, cảm thấy buồn ngủ. Cuộc tiệc trên nhà trên kéo dài mãi, nhưng rồi cuối cùng cũng xong, mọi người ra về hết, và một mâm cơm được đưa đến cho chú Cung. Chú Cung nhổm người lên đón lấy mâm cơm, thằng Hữu Sún nhanh như chớp thòi ra chiếc ghế con có trét mủ mít dưới đít chú. Chú ngồi xuống ăn thật mau, rồi đứng dậy. Tức thì chiếc ghế cũng “đứng dậy” theo, dính toòng teng dưới đít chú. Mọi người cười rộ lên. Chú Cung lúng túng và khi chú gỡ được miếng ghế ra, một miếng vải quần của chú cũng dính theo luôn. Mọi người càng cười lớn hơn nữa. Má tôi đi xuống nhìn thấy cảnh đó cũng cười nhưng rồi sau đó chợt hiểu ra liền đi lùng hai chúng tôi. Thằng Hữu Sún nhanh chân trốn mất, còn tôi thì bị hai roi đau điếng.
Tôi buồn bỏ đi xuống bờ sông… Tôi đi dọc theo bờ sông tới một bụi tầm vông chợt thấy có bóng người trong đó. Chính là chú Cung, chú đang ngồi giữa bụi tầm vông, vừa vá chiếc quần vừa khóc. Tôi chưa thấy người đàn ông khóc bao giờ nên lấy làm lạ đứng nhìn một lúc rồi mới bỏ đi. Tôi tìm gặp thằng Hữu Sún và bày nhiều trò chơi nhưng không còn thấy hứng thú gì. Hình ảnh chú Cung ngồi khóc trong bụi tầm vông choáng chật hết tâm trí tôi…
12 – 1990

(Trích Thằng Cung – Lê Văn Thảo – Truyện ngắn An Giang 1975 – 2000)