Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Thu hứng - Đau đáu nỗi niềm cố hương

" THU HỨNG – ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM CỐ HƯƠNG
Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh rừng phong tiêu điều giữa màn sương trắng xóa, lạnh lùng:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm
(Sương móc trắng xóa làm tiêu điều cả rừng cây phong
Núi Vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt)
Chỉ với vài nét chấm phá quen thuộc của thơ Đường, tác giả đã thể hiện được cái thần của một chiều thu ở Quỳ Châu. Sương và cây phong là hai hình ảnh đặc trưng của mùa Thu trong thơ cổ Trung Quốc. Màn sương thu trắng muốt tương phản với màu đỏ của rừng phong luôn mang đến một bức tranh thu buồn song rất đẹp và đầy thi vị. Thế nhưng, trong mắt người lữ thứ, rừng phong đã bị “sương móc” làm cho tiêu điều, xơ xác. (…)

Nếu ở hai câu đầu, hướng nhìn của nhà thơ di chuyển từ rừng núi xuống lòng sông và bao quát theo chiều rộng thì ở cặp câu tiếp theo cảnh thu lại được “quét” từ lòng sông lên miền quan ải:
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
(Giữa dòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời,
Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u).
Vẫn là những nét chấm phá quen thuộc của Đường thi, ở đây Đỗ Phủ đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh hùng tráng, dữ dội của sông núi Quỳ Châu với hình ảnh sóng vọt tung lên tận lưng trời và mây ở trên cao sà xuống phủ đầy mặt đất. Tuy vậy, ẩn sâu trong mặt hoành tráng ấy, người đọc vẫn cảm nhận được cái âm u, bi thảm. Sự vận động ngược chiều nhau của sóng và mây khiến không gian như bị lấp kín, và con người giữa không gian ấy đã bị dồn ép trở nên ngột ngạt, chông chênh.
Bức tranh thu bắt đầu có sự thu hẹp bởi sự thay đổi nhãn giới của con người. Không còn cảnh sắc hùng tráng, dữ dội của sóng nước, mây trời, trước mắt nhà thơ chỉ còn là hình ảnh khóm cúc, con thuyền:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
(Khóm cúc nở hoa đã hai lần làm tuôn rơi nước mắt ngày trước, Con thuyền lẻ loi thắt chặt mãi tấm lòng nhớ về vườn cũ.)
Hai câu thơ được xem là “linh hồn” của bài thơ cũng như chùm thơ “Thu hứng”. Ở đây, tác giả đã đồng nhất giữa tình và cảnh (nhìn hoa cúc nở mà trông như xòe ra những cánh hoa bằng nước mắt), giữa hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ của quá khứ gần – hai năm qua, kể từ ngày tới Quỳ Châu – và quá khứ xa, trước và trong chiến loạn An – Sử). Trước cảnh thu buồn, hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ đã tập kết về thời điểm hiện tại và đọng lại trên những nhành hoa. Câu thơ dịch “Khóm trúc tuôn rơi dòng lệ cũ” của Nguyễn Công Trứ thật xuất sắc, giúp độc giả cảm nhận được tâm trạng cô đơn, sầu nhớ của nhân vật trữ tình.
Lệ rơi trong hai năm qua chỉ là sự lặp lại, chồng lên những dòng lệ cũ, “gom” từ nỗi đau khổ triền miên, vô hạn trong những năm tháng phiêu bạt của nhà thơ. Cố viên tâm (nỗi lòng quê cũ) trước hết là nỗi nhớ Lạc Dương, quê quán của Đỗ Phủ. Đặt trong văn cảnh, nó còn chỉ “nỗi nhớ Trường An, kinh đô nhà Đường” và rộng hơn nữa là lòng yêu nước kín đáo của tác giả. Hình ảnh con thuyền vừa có ý nghĩa thực vừa mang nghĩa khái quát, trở thành một biểu tượng nghệ thuật trong văn học, dùng để chỉ thân phận lênh đênh của con người. (…)
Bài thơ kết thúc bất ngờ với hình ảnh cuối thu:
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
(Khắp nơi thôi thúc nhau dùng đao, thước để may áo rét,
Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập.)
Nếu hai câu thơ đầu bài thơ mở ra không gian vũ trụ thì ở đây lại có sự chuyển mạch với không gian đời thường: Người người nô nức may áo rét và giặt giũ áo cũ để chuẩn bị cho mùa Đông đang đến gần. Cảnh sinh hoạt với âm thanh của tiếng thước, tiếng dao kéo cắt vải, tiếng chày đập áo thường mang đến cho con người sự vui tươi, phấn khởi nhưng ở đây lại càng xoáy sâu vào lòng người lữ thứ nỗi nhớ quê da diết, khôn nguôi. Đứng trên thành Bạch Đế không phải để phóng khoát thung dung, mà để nhìn vào tâm trạng, một tâm trạng u uẩn, day dứt. (…) Không còn hình ảnh của một người trai với tư thế hiên ngang, hào phóng, luôn mang trong mình hoài bão lập chí giúp đời. Sự sa đọa của triều đình, chiến tranh phong kiến triền miên đã đẩy con người có tráng chí ấy về tận một góc trời xa thẳm, giờ đây chỉ còn lại tấm thân già yếu, cô quạnh giữa trời thu mênh mông, bát ngát, ôm ấp một hi vọng mỏng manh được trở lại quê nhà. Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng chính là ước mơ của bao kiếp người lưu vong nghèo khổ trong buổi loạn li. Bởi vậy bài thơ dù không trực tiếp miêu tả tình hình xã hội song vẫn chan chứa tình đời và mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc.
“Thu hứng” trở thành một trong những kiệt tác của Đường thi và thơ ca nhân loại không chỉ vì bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ, góp phần thể hiện tài năng kiệt xuất của ông, mà ở đó độc giả hậu thế còn tìm thấy vẻ đẹp tâm hồn của một bậc vĩ nhân không bị sự khổ đau theo năm tháng bào mòn. Nỗi niềm cố quận cùng với tình thương người, thương đời của thi nhân sẽ còn lay động “triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”.
(Võ Thị Cúc, in trong Đi tìm vẻ đẹp văn chương, Thân Phương Thu tuyển chọn, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018)
Thực hiện các yêu cầu đọc hiểu Đau đáu nỗi niềm cố hương
"