Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Tiếng Việt là tài sản vô cùng quý giá của nước ta
Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:
Tiếng Việt là tài sản vô cùng quý giá của nước ta, đó không chỉ là phương tiện trong các hoạt động giao tiếp, mà còn được ví như một thứ “căn cước” của nền văn hóa dân tộc. Vì thế giữ gìn sự trong sáng tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thế nhưng thực tế, có lẽ không khó để nhận ra việc tiếng Việt đang bị một bộ phận không nhỏ sử dụng một cách vô trách nhiệm, bóp méo và xâm phạm đến đáng sợ, dẫn đến cách hiểu thứ ngôn ngữ chúng đang dùng hằng ngày “tựa như một mớ hổ lốn”. Nhất là trong giới trẻ. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể chen từ nước ngoài vào, khiến cho ngôn ngữ Việt không ra Việt, Tây không ra Tây như “no vấn đề” (không vấn đề gì); “thật là pro” (thật là chuyên nghiệp). Rồi cách diễn đạt cũng rất lạ với vô vàn những tiếng lóng đang làm cho ngôn ngữ chính thống bị méo mó.
Làm một cuộc khảo sát nhỏ trên các trang mạng xã hội, hẳn bất cứ ai cũng phải giật mình bởi một loại ngôn ngữ mới mà dám chắc không có trong từ điển của bất cứ quốc gia nào. Chữ nghĩa được giản lược đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt. Đơn cử như “2” nghĩa là xin chào, “yêu” được viết thành “iu”, “buồn”, “muốn” đều bị lược bớt một chữ ô, “i” viết thành “j”, “rồi” thành “ruj”, “roaj”…. Đáng nói nữa là trong giới trẻ đang nổi lên một cách giao tiếp thời thượng, được đông đảo bạn bè cổ xúy mà chúng ta có thể bắt gặp hàng ngày từ nhà ra ngõ, từ công sở đến trường học với những từ rất phản cảm như: “Đi gì mà đầu lâu thế?; “Bắc Cạn đi các ông ơi”, “hết bao nhiêu đấy để còn Campuchia”… Đó là còn chưa kể đến rất nhiều người thường xuyên viết sai chính tả “n/l”, “s/x”, “tr/ch”.
Có thể nói hiện tượng sử dụng tiếng Việt thiếu chuẩn, hoặc sai về ngữ pháp có mặt ở mọi lúc, mọi nơi đang thực sự rất báo động, làm mất đi sự trong sáng vốn có của nó…
(Trích Ngôn ngữ mạng xã hội đang làm hỏng tiếng Việt, Minh Tư Báo Giáo dục và thời đại, số đặc biệt, 9/2016)