Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Tự tình cùng cái đẹp

Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Tự tình cùng cái đẹp

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

Đó là loài hoa nở vào cuối năm
Đó là loài hoa mọc nơi cuối đất
Đó là loài hoa đợi ở cuối đời
Khi hầu hết các loài hoa trong năm đã khoe sắc phô hương cả rồi, nó mới nở. Nếu xem mỗi niên hoa như một dãy dằng dặc, xếp hàng đợi đến lượt nở, thì nó đứng ở cuối hàng. Kiên nhẫn, nhún nhường, hay biết phận biết thân? Thật khó nói. Chỉ biết khi năm hầu tàn, mùa hầu cạn, chẳng còn loài hoa nào tranh chòi nữa, nó mới dâng hoa. Nó nở trong gió bấc mưa phùn, dưới màu mây xám bạc của ngày đông tận. Nhưng không ai đợi nó dịp tất niên. Càng không ai chờ nó cho tân niên.
Nó là loài hoa không được chào đón.
Nó là loài hoa không biết đến hội hè. Nó không có chỗ trong các bình hoa bày trang trọng tại những chốn cao sang. Cũng không có chỗ trong những vựa hoa, quầy hoa, sạp hoa bày trên phố xá. Không ai đầu tư, không ai khuyến mại. Nó không bao giờ có mặt trong danh sách những thứ hoa cần mua sắm để trang hoàng khánh tiết cho bất cứ kì cuộc nào. Và nó cũng chẳng dám mơ được nằm trên bàn tay tình nhân trao tặng nhau những dịp lễ lạc. Bàn tay chăm thôi còn chả dám mong, nói gì đến bàn tay tình. Có phải bàn tay duy nhất nó được biết đến trong đời là bàn tay cầm nắm nó khi triệt bỏ nó?
Không có chỗ trong vườn nhà. Không bén mảng tới những hoa viên. Nó không có căn cước tại đấy. Có ai cấp thẻ xanh để cho nó quyền cư trú tại đấy đâu. Thảng hoặc có bóng nó vươn hoa ở góc vườn nào, thì nó chỉ được xem như dân lậu, dân liều. Nó thường bị trục xuất trước tiên khỏi những hoa viên, hoa uyển. Họa chăng, chỉ khi vườn đã bỏ hoang, nó mới có hi vọng. Chủ nhân chả còn đoái hoài, các loài khác chả thèm giành giật đất nữa, thì nó mới đến mọc. Nó rón rén mọc trên đất bỏ, đất thí. Dạng nhảy dù. Sống chui. Nó là loài hoa vườn hoang.
Ta thường thấy nó ở bên đường. Đúng hơn, nó vẫn ở bên đường mà ta thường không thấy. Nó không phải là địa chỉ cho những ánh mắt thưởng ngoạn kiếm tìm. Từng đoàn xe cứ vút qua. Những ánh mắt vãng cảnh cứ rướn xa. Nhưng điểm nhìn của dòng người thường không đặt vào nó. Nó bị lãng quên ngay trong tầm mắt người đời. Dù ngọn hoa có đâm ngang tầm nhìn, xiên vào nhãn giới, thì cũng thế thôi. Cả khi du khách dừng lại để chụp ảnh, ống kính zoom qua đầu nó là để chớp lấy những cảnh hớp hồn phía xa. Về xem lại, thấy nó lỡ có mặt trong khuôn hình ngoài ý muốn, thì bực mình. Khi in ra, người ta cẩn thận dùng photoshop xóa nó đi, cho hết vướng. Nó là loài hoa bên đường.
Nhưng, vương quốc thực sự của nó là miền hoang, là núi đồi gò bãi. Nó là cư dân của những miền đời quên lãng. Lãng quên, đó mới là không gian cho nó, của nó. Một kiếp hoa chung thân chốn lãng quên. Có phải nỗi hoang vu vón lại thành loài hoa ấy. Có phải nó là đứa con tự túc của nỗi hoang vu. Sinh ra nó để tự khuây khỏa, khoảng trống của hoang vu có bớt đi được phần nào không, mà giữa chốn hoang vắng, có bóng nó chập chờn, lại chỉ thấy lòng thêm hoang dại.
Nó là hoa lau.
(Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2019, tr. 132)
Chú thích:
Chu Văn Sơn (1962-2019) được biết đến là một người thầy, một nhà văn tài hoa, một nhà phê bình văn học sắc sảo. Những tác phẩm của ông có nhiều phát hiện tinh tế, sâu sắc, có cách viết bay bổng nghệ sĩ, và một giọng văn riêng, vừa gần gũi vừa thanh lịch.