Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu Bao giờ cho tới ngày xưa

Bộ câu hỏi đọc hiểu Bao giờ cho tới ngày xưa

Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:

Ngày xưa bao giờ cũng đẹp, kể cả “ngày xưa” rộn rã tiếng cười hay “ngày xưa” có giọt khóc u hoài. Vì đó là ngày xưa của trời xanh mây trắng, của hồn nhiên, chưa biết màu trời có khi dông và vị đời còn khi đắng. Ngày xưa êm ấm bên mẹ. Ngày xưa em ngồi xích đu, đánh khăng đánh đáo chơi chuyền chơi bi. Ngày xưa kỳ vĩ, thỏa sức phóng tưởng tượng vào cõi ngây thơ. Ngậm một cái tăm nhọn, em là con muỗi. Ngậm một chiếc ống hút, em đã đột nhiên biến thành con voi. Tuyệt vời là thế, ấu thơ trong tôi là…

Thầy tôi dạy: Cõi tri thức của con người như quả bong bóng. Bên trong em là điều em biết. Bên ngoài là điều em chưa biết. Với thời gian, khi em lớn khôn, bên trong phình to ra những điều em biết thì cũng cùng lúc diện tiếp xúc bên ngoài với điều em chưa biết cũng phình to lên gấp bội. Và thế là, càng học càng thấy dốt. Càng có nhiều kiến thức lại càng nhiều khi thấy rợn ngợp trước bao điều em chưa biết. Vậy là em kêu gào: “Ngày xưa ơi!”

Nhưng “ngày xưa” không phải là ông thần đèn, và em chỉ được gọi khe khẽ trong cõi tâm thức duy cảm mà thôi. Còn trong suy tư thực tiễn đầy duy lý mà vẫn gào “ngày xưa ơi” thì thật kỳ dị. Ấy thế mà có đấy. Cả hàng ngàn năm phong kiến, xã hội thối nát là do đường lối đương thời và thế là hạng nho sĩ quần thần cứ mơ tưởng, tiếc nuối mãi về một xã hội ngày xưa thời vua Nghiêu vua Thuấn. Nghiêu Thuấn là ai, thời đó là thời nào, họa chăng chỉ có trong niềm mong mỏi ảo vọng mà thôi.

Hôm nay đây, nhiều người cứ tiếc thương mãi cây đa, giếng nước, con đò. Nhưng ngay cả một đứa trẻ con ở nông thôn cũng biết được rằng nước máy về làng sẽ trong lành hơn nước giếng, chiếc cầu bắc qua sông sẽ tuyệt hơn con đò ngang… Một nông thôn “lúc chiều về giục nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi” là một nông thôn đẹp, nên thơ, nhưng cứ giữ mãi một nông thôn nghèo và buồn như vậy sao? Và thế thì biết bao giờ mới hoàn thành công nghiệp hóa nông thôn đây?

“Con người ngày xưa tốt”. “Xã hội ngày xưa tuyệt”. Thói thường, con người ta hay thương nhớ ngày xưa, mặc dù ngày xưa chỉ là bản thảo của hôm nay. Nếu cứ “duy cựu” thì hai chữ ĐỔI MỚI sẽ có vị trí nào trong sự nghiệp của dân tộc chúng ta hôm nay? Ngay cả em nữa, khi em đang cầm trên tay một tờ báo mà dung lượng thông tin tâm hồn và trí tuệ dù có gấp mười lần ngày xưa thì cũng không ít bạn hoài cổ, kêu ca là không bằng ngày xưa. Có thể giải thích điều này bằng một cơ chế tâm lý phức tạp với ba lý do chính:

1 – Tính cải biên của trí nhớ.

2 – Biểu sai lạc của sự đánh giá.

3 – Sự khẳng định của nhân cách.

Vậy thì bao giờ cho tới ngày xưa? – Câu trả lời là không bao giờ. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông.

“Trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về với những thế kỷ đã tàn lụi để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại, đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”.

(Theo Gửi em mây trắng, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 15-19)