Đọc hiểu Ngữ văn 11: Bộ câu hỏi đọc hiểu Cậu bé trong trại tạm cư ở Hồng Kông

Bộ câu hỏi đọc hiểu Cậu bé trong trại tạm cư ở Hồng Kông

Đọc hiểu ngữ liệu dưới và trả lời câu hỏi:

Cậu bé trong trại tạm cư ở Hồng Kông, giữa bốn bề lều bạt dựng trên bãi đổ nhựa đường bạt ngàn không đào đâu ra tí đất. Cậu lấy những miếng các tông bé nhỏ cho vào cốc rồi tưới nước giữ ẩm. Cậu nhặt nhạnh những hạt thóc hạt đỗ lẫn trong gạo ăn, rồi thả vào đấy để ươm cây, cho đỡ nhớ thiên nhiên mà hàng năm rồi cậu chưa được nhìn thấy.

Con người trèo từ trên cây xuống. Con người từ tự nhiên mà đi ra. Dấu ấn của tự nhiên dày đặc. Bé em bụ bẫm mẹ nói như hạt mít. Mắt em to tròn ướt mẹ gọi là mắt nai. Rồi mắt đen hột nhãn. Rồi đôi mày lá liễu. Rồi thắt đáy lưng ong. Rồi gương mặt trái xoan, ngón tay búp măng. Ngay cả khi em chắp tay cầu nguyện cũng là chắp tay hình búp sen. Mọi dấu tích hình hài của em, trong em đều có tự nhiên hiển hiện.

Thế cho nên một mai bị tách rời tự nhiên thì con người thật buồn, thật chống chếnh.

Người Nhật đang mở những lễ hội đom đóm, để bảo tồn, để nhớ về cái thời nông nghiệp, và còn đom đóm.

Chúng ta rồi cũng sẽ nhớ về cái thời còn có thể bắt cá ở ao làng. Đô thị hóa khiến không còn ao làng, và môi trường nhiều chất thải thời công nghiệp hóa, mưa a xít, tràn dầu loang… sẽ khiến cho những con tôm con cá ở ao làng chỉ còn là hoài niệm xa xôi.

Thiên nhiên với con người gắn bó với nhau như cây hoa và chậu cảnh, như kèn với trống, như áo với quần, như bảy chú lùn phải có nàng Bạch Tuyết, như chú Cuội phải có cây đa. Và, như hai mặt của một tờ giấy. Bởi đâu chỉ buồn và chống chếnh, con người còn không thể sống nổi nếu không có cây cỏ, không có vật quang hợp để cấp nguồn dưỡng khí cho con người.

Mà nguy thay, sự phát triển kinh tế đôi khi phải trả giá bằng môi trường, như việc muốn mở cửa kho báu thì phải để lại trái tim cho quỷ dữ vậy.

Lẽ nào em sẽ chọn con đường “đôi khi” như thế để làm buồn cho mai sau? Vẫn luôn có nhiều cách khác, để mang về châu báu mà không để lại trái tim.

Em sẽ tìm thấy trong trí tuệ nhân loại, trong từng trang sách em đang học và sẽ học.

(Trích Bài học môi trường của bé, theo Một chú bé và một người cha, Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 81-83)