Bài 29: Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Câu hỏi 5 trang 138 KHTN lớp 7: Nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.
Trả lời:
- Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật hoặc làm chết sinh vật. Một số sinh vật có hiện tượng “nghỉ sinh trưởng” do tác động của nhiệt độ như động vật ngủ đông, cây rụng lá vào mùa đông.
Ví dụ: Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây: Đặc điểm của cây đào là ưa thích ánh nắng và chịu rét, chịu hạn, sợ úng. Đặc biệt, loại cây này thích hợp với đất pha cát và thoát nước tốt, không chịu kiềm, không thích hợp với đất dính. Và nhiệt độ sinh trưởng thích hợp là 18°C-25°C. Công việc tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây được tiến hành vào trung tuần tháng 11 âm lịch, giúp cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Chú ý theo dõi năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét thì tuốt lá đào sớm hơn.
- Ở động vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến chu kì sống, tỉ lệ nở của trứng, tỉ lệ giới tính,...
Ví dụ: Nhiệt độ ảnh hưởng đến tỉ lệ nở của trứng gà:
Trong 6 – 7 ngày đầu quá trình ấp cần yêu cầu điều kiện nhiệt độ trong máy ấp cao nhất, từ 37,8 – 38°C, sau đó ổn định ở mức nhiệt 37 – 38°C. Nhiệt độ cao thúc đầy phôi phát triển nhanh, đồng thời làm giảm sự bốc hơi nước trong trứng, tạo khoảng trống niệu nang để chứa nước nội sinh. Theo đó kích thích phôi tiêu hóa nhiều lòng trắng, lòng đỏ và thải nhiều chất cặn bã. Nếu thiếu nhiệt trong những ngày ấp đầu tiên, phôi sẽ chậm phát triển, phôi nhỏ, nằm gần vỏ và di chuyển yếu, phôi chết nhiều sau 4 – 6 ngày ấp. Nếu đủ nhiệt, khi nở gà khỏe, lông bông, bụng nhẹ, nhanh nhẹn. Nếu nhiệt độ ấp dưới 37°C kéo dài, gà nở bị nặng bụng, thường bị ỉa chảy. Nếu trong quá trình ấp, nhiệt độ quá thấp khoảng 35 – 36°C kéo dài trong nhiều thời điểm thì túi lòng đỏ không co vào được xoang bụng, gà nở thường bị hở rốn, túi lòng đỏ có màu xanh lá cây.
- Ở thực vật, nhiệt độ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt, sự lớn lên của cây, ra hoa,...
Ví dụ:
+ Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt thóc: Điều kiện để hạt thóc nảy mầm tốt nhất là ở nhiệt độ xung quanh 30-35oC, trên 40oC hoặc thấp dưới 10oC đều không có lợi cho quá trình nảy mầm. Trong quá trỉnh ủ, bản thân hạt hô hấp cũng tạo ra nhiệt lượng để xúc tiến nảy mầm. Nếu ngâm ủ với khối lượng hạt giống nhỏ, dễ bị thiếu nhiệt nên hạt giống nảy mầm chậm. Có thể dùng nước ấm tưới vào hạt giống để hạt hút ẩm, tăng cường hô hấp sẽ nảy mầm mạnh hơn.
• Sinh trưởng ở sinh vật là quá trình tăng về kích thước, khối lượng của cơ thể do tăng số lượng và kích thước của tế bào (ở sinh vật đơn bào chỉ tăng kích thước tế bào), làm cơ thể lớn lên.
• Phát triển ở sinh vật là quá trình biến đổi tạo nên các tế bào, mô, cơ quan và hình thành chức năng mới ở các giai đoạn.
• Sinh trưởng và phát triển có liên quan mật thiết với nhau, liên tiếp, xen kẽ nhau và chịu ảnh hưởng của môi trường sống. Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển. Phát triển làm thay đổi và thúc đẩy sinh trưởng. Sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như đặc điểm của loài, nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng,... Các nhân tố này có tác động tổng hợp lên sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.