Đọc hiểu Ngữ văn 11: Câu hỏi Đọc hiểu bài Mưa qua những cánh rừng

Mưa qua những cánh rừng

…Đây là lần đầu tiên Huyên đến đồn Biên phòng Sang Khương. Mất gần hai tiếng đồng hồ để di chuyển từ thành phố đến bến thuyền đầu tiên, ngồi ca-nô chừng ba mươi cây số ngược lòng hồ thủy lợi, thêm một quãng đường rừng đồi dốc quanh co trên chiếc xe ô-tô đời cũ xóc nảy đến nỗi ê ẩm hết cả người thì Huyên mới đặt chân tới cổng đồn. […]

Huyên cố giữ tâm trí mình bình lặng lại sau khi bị xáo động dữ dội bởi cuộc hội ngộ bất ngờ với Bằng. Biết bao nhiêu năm dằng dặc cách biệt, không ngờ có ngày Huyên gặp lại anh ở nơi tận cùng hoang vắng này, trong một đồn Biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng mênh mông xanh thẳm, giữa những người lính mang trên mình bộ quân phục nhuốm màu sương gió và cơn mưa tháng sáu dữ dội đến vô cùng.

*

(Lược một đoạn: Huyên nhớ về những ký ức xưa ở với bà vì mẹ đi làm tận miền nam. Hai bà cháu sống trên ngôi làng nhỏ ở vách núi – nơi mỗi năm vẫn oằn mình chống chịu những cơn lũ Tiểu Mãn khốc liệt. Mười hai tuổi Huyên gặp Bằng – cậu bé mồ côi – vì cả gia đình vừa bị lũ cuốn trôi năm đó. Bà đón Bằng về nhà nuôi, Huyên và Bằng nhanh chóng trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Một thời gian sau, bà ốm nặng, mẹ từ miền nam trở về thăm bà, thăm Huyên. Mẹ phản đối việc bà nuôi Bằng trong nhà, nên Bằng chỉ được ở sau nhà gần chuồng bò. Không lâu sau bà mất, mẹ bán nhà, bán vườn đưa Huyên lên phố. Huyên năn nỉ nhưng mẹ không cho Bằng đi theo. Ngày chiếc xe tải lăn bánh rời đi, Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc…

Lần này, khi đến đồn biên phòng Sang Khương để viết bài phóng sự, Huyên được các chiến sĩ đưa đi thăm đập Ngàn Trươi và lắng nghe những câu chuyện về Bằng – người chiến sĩ chưa từng nghỉ phép. Huyên ghi chép lại những câu chuyện đầy thương mến ấy. Và tự nhiên Huyên thấy mình được đi cùng anh cả một chặng đời.)

Ngay khoảnh khắc đầu tiên bước vào phòng truyền thống của đồn biên phòng Sang Khương, Huyên đã nhận ra Bằng ngay lập tức. Dường như có một luồng điện vụt qua trí não của cô chiếu sáng những mảnh ký ức vụn vỡ tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Từ trong bức ảnh được lồng khung trang trọng treo chính giữa căn phòng, một người lính mang quân hàm xanh với đôi mắt sáng và cái nhìn điềm tĩnh đang hướng về phía cô.

Trong đôi mắt đó những mất mát buồn thương đã lắng vào sâu thẳm, chỉ còn lại ánh sáng ấm áp yêu thương và khắc khoải đợi chờ. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ ghi họ tên anh, thiếu úy Lê Hữu Bằng, nơi sinh, quê quán, cùng một dấu gạch nối giữa hai mốc thời gian ngắn ngủi.

– Dịp đó cũng chừng đầu tháng sáu như thế này, sau mấy tuần liên tiếp cồn cột gió Lào đỉnh điểm nắng nóng thì trời đột ngột đổ mưa, dân gian vẫn thường gọi là mưa Tiểu Mãn – Giọng đồng chí đồn trưởng trầm trầm kể lại – Cả ngày hôm đó giông gió sấm chớp dữ dội, chúng tôi vẫn thực hiện công tác tuần tra biên giới như mọi khi.

Thế rồi vào lúc chập tối, có một nhóm ba người dân hoảng hốt chạy tới báo tin họ đi rừng lấy mật ong không may gặp nạn chỗ suối Hóp, nơi có một khúc quanh cực kỳ nguy hiểm nước thường dâng rất đột ngột. Năm đó công trình thủy lợi Ngàn Trươi chưa làm, lũ lụt ở vùng này vô cùng bất ngờ và ác liệt.

Đồn biên phòng lập tức cử người lên đường ngay, đồng thời qua bộ đàm liên lạc với tiểu đội do đồng chí Bằng đang ở gần đó nhất. Trời sập tối rất nhanh mà mưa càng lúc càng to, đường mòn sụt lở khó đi kinh khủng. Lúc cắt rừng đến nơi thì nước đã dâng cao quá chỗ ngầm tràn, dưới ánh đèn pin lấp loáng, chúng tôi nhìn thấy hai người dân mắc kẹt lại trên một tảng đá nhỏ giữa dòng chảy xiết đang kêu cứu đến kiệt sức.

Anh em hội ý rất nhanh rồi thống nhất phương án dùng dây chăng qua các gốc cây, sau đó cử hai đồng chí buộc dây vào mình trực tiếp bơi ra. Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn giữa dòng nước hung dữ tối tăm cuồn cuộn, anh em cũng đưa được người bị nạn vào bờ an toàn. Thế nhưng vào phút cuối cùng, không ai ngờ được một sự cố đau lòng lại xảy ra.

[….] Ngôi mộ của thiếu úy Lê Hữu Bằng nằm khiêm tốn ở góc đồi, đó cũng là một ngôi mộ gió. Suốt đêm mưa lũ bão bùng ấy và ròng rã mấy tháng sau, anh em chiến sĩ đào xới từng khoảnh rừng để tìm kiếm Bằng nhưng không hề thấy một dấu vết nào sót lại. Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng. Đám tang anh được đơn vị cử hành sau đó có rất đông bà con từ những xóm làng xa xôi dọc vùng biên ải lặn lội đến dự. Tất cả họ đều chít khăn trắng. Trên mộ anh phủ đầy hoa trắng. Ngày Huyên ra thăm anh, giữa tháng sáu nắng đổ rực trời cô nhìn thấy những bông hoa muối li ti mầu trắng nở đầy trên mộ.

Về sau này người ta vẫn kể rằng chưa bao giờ thấy trận lũ trái mùa bất thường đến thế ở Ngàn Trươi. Đó cũng là trận lũ cuối cùng trước khi đập chính chặn dòng, công trình thủy lợi khánh thành đã làm thay đổi hoàn toàn một vùng biên giới.

Huyên đặt dấu chấm kết thúc cho bài phóng sự gửi về tòa soạn báo vào một buổi chiều tĩnh lặng. Bên cạnh cô là màn hình máy tính nhấp nháy sáng từng con chữ, cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời…

Bình minh chiếu ánh nắng rực rỡ xuống mặt hồ khi những người lính biên phòng tiễn Huyên ra tận bến đò. Chiếc ca-nô tung bọt trắng xóa giữa dòng Ngàn Trươi. Phía sau cô là bóng áo xanh dưới tán rừng lặng lẽ”.

(Trần Thị Tú Ngọc, báo Nhân Dân, ngày 20/06/2022)

Trả lời câu hỏi đọc hiểu bài Mưa qua những cánh rừng