Thư dụ thành Xương Giang
Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
1) Ta nghe: (đối với) đạo quân nhân nghĩa, kẻ nào thuận đức thì sống, kẻ nào trái đức thì chết. Vì người cầm quân ấy giữ việc đánh giết, nắm quyền sống chết: khi thì khoan hồng như khí dương, khi thì thảm khắc như khí âm, đều tuân theo lẽ phải của Trời, không thể theo ý riêng mình được. Nay các ông bằng một nghìn quân, một mình trơ trọi. Đã đến hơn một năm nay, tin tức không thông, mà tự cậy là thành cao hào sâu, có khác gì người mù không sợ cái chết, không biết tự liệu sức mình.
(2) Kể ra, thời có khi thịnh khi suy, thế có kẻ mạnh, kẻ yếu; cũng là lẽ trời lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hay trái ngược. Nếu chỉ khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi, cam lòng chịu lấy tai vạ, thì cũng đáng thương lắm. Vì thế mà tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành, đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết. Cho nên ta không ngại nói đi nói lại, lại sai người đến nơi dụ bảo.
(3) Nếu các ông biết tỉnh ngộ thì không những người cả ở trong thành ấy nhờ đó được an toàn; cả sự giàu sang của các ông cũng có thể giữ được lâu dài, mà đức hiếu sinh của thượng để cũng thấm khắp đến lòng dân. Nếu không thể thì giữa người thuận đức với kẻ trái đức, tất có một kẻ sống một kẻ chết. Đó là lẽ tất nhiên. Ta có thể tự theo ý riêng mình sao được! Các ông nên mau mau mở cửa thành, cởi áo giáp cùng ta hòa giải. Ta nếu trái lời giao ước tất nhiên trời chẳng dung cho, nếu các ông cứ chấp mê, ta tất không tha thứ.
(4) Nay hãy tạm lấy một việc trước mắt, bày tỏ từng việc cho các ông nghe: các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tam Đái, Thị Kiều, Tiền Vệ đều may biết thời thế, hiểu quyền biến, chuyển họa làm phúc, để cho người trong các thành ấy có đến hơn 56.000 người đều được an toàn. Duy có một thành Khâu Ôn không hiểu sự biến, bo bo giữ kiến thức nhỏ, để cho người trong một thành ngọc đá đều bị thiêu cháy, há chẳng đáng xót thương! Các ông nên nghĩ, chớ để hối hận về sau!
(Trích Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội)