Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
Vận dụng 2 trang 89 KHTN lớp 7: Vì sao làm việc nhiều cần tiêu thụ nhiều thức ăn?
Trả lời ngắn gọn
Làm việc nhiều đòi hỏi cơ thể tiêu thụ nhiều năng lượng, do đó cần ăn nhiều để bù đắp.
Trả lời chi tiết
Khi chúng ta làm việc, cơ thể sẽ tiêu hao một lượng lớn năng lượng, do đó cần tiêu thụ nhiều thức ăn để bổ sung và bù đắp phần năng lượng đã sử dụng. Điều này được giải thích bởi nguyên lý bảo toàn năng lượng, trong đó năng lượng không thể biến mất mà chỉ được chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác. Vì vậy, khi ta làm việc, năng lượng được chuyển đổi từ dạng hóa học trong thức ăn sang năng lượng cơ học để thực hiện các hoạt động của cơ thể. Do đó, để duy trì hoạt động của cơ thể, ta cần tiêu thụ đủ lượng thức ăn để cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
Trả lời hay nhất
- Khi chúng ta làm việc cơ thể cần tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, ta cần tiêu thụ nhiều thức ăn để bổ sung và bù đắp phần năng lượng đã sử dụng.
* Nhu cầu năng lượng của người làm việc nhiều
- Khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào cũng đều tiêu hao năng lượng, khi lao động, làm việc càng nhiều và đặc biệt là làm việc nặng thì nhu cầu năng lượng cần được cung cấp phải càng cao. Một chế độ ăn hợp lý trước hết phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho người lao động, việc thiếu hay thừa năng lượng đều có hại cho cơ thể. Nếu bạn có một chế độ ăn không đảm bảo đủ năng lượng sẽ khiến cơ thể nhanh mệt mỏi, giảm năng suất và hiệu quả lao động, trầm trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cơ thể bị suy dinh dưỡng, suy kiệt. Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày cung cấp quá dư thừa năng lượng sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý như thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu,... Đây là yếu tố nguy cơ cho các bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, xơ vữa động mạch,...
- Theo Bảng nhu cầu năng lượng khuyến nghị bởi Viện dinh dưỡng Quốc gia, một người lao động nặng trong độ tuổi từ 18 - 60 cần một chế độ dinh dưỡng đảm bảo cung cấp từ 2800 - 3.000 calo/ ngày. Theo một số tính toán, trong khi 1% calo tăng lên trong chế độ ăn kém có thể giúp tăng thêm 2.27% năng suất lao động, thì một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không đảm bảo nhu cầu cần thiết có thể khiến người lao động giảm hiệu suất đến 20%.
* Chế độ dinh dưỡng cho người làm việc nhiều
- Chất đạm: Nhu cầu hàng ngày cần đảm bảo 10 - 15% năng lượng cung cấp cho cơ thể xuất phát từ chất đạm, đặc biệt người càng làm việc nặng thì thì nhu cầu đạm cũng cần tăng theo. Đạm có thể được cung cấp từ nhiều nguồn thức ăn bao gồm các loại thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, rau,... Hàng ngày, nên cung cấp cân bằng giữa các nguồn đạm khác nhau, trong đó ăn khoảng 30 - 50% đạm có nguồn gốc từ động vật là hợp lý.
- Lipid (chất béo) và glucid (đường bột): Đây là 2 nguồn chính cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong khi glucid cung cấp năng lượng tức thì, thì lipid lại là nguồn năng lượng dự trữ để cơ thể sử dụng khi cần thiết. Vì chất béo chứa nhiều năng lượng nên người lao động làm việc nặng có thể ăn nhiều hơn so với người lao động trí óc hoặc người làm văn phòng. Nên sử dụng cả chất béo thực vật (lạc, vừng, dầu ô liu,...) và cả chất béo động vật (dầu, mỡ). Đường bột cung cấp 40-60% năng lượng để cơ thể sử dụng hàng ngày. Cần chú ý cung cấp đủ nhu cầu đường bột, tuy nhiên cũng phải thận trọng không bổ sung quá nhiều gây nguy cơ tăng đường huyết.
- Một khẩu phần ăn hợp lý, đảm bảo cung cấp năng lượng và dinh dưỡng thì không thể thiếu chất khoáng và vitamin. Rau xanh và quả chín không chỉ cung cấp khoáng chất, vitamin và chất xơ mà còn giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa.
- Trao đổi chất là tập hợp các biến đổi hoá học trong các tế bào của cơ thể sinh vật và sự trao đổi các chất giữa cơ thể với môi trường đảm bảo duy trì sự sống.
- Sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác gọi là chuyển hoá năng lượng. Trong tế bào và cơ thể sinh vật, năng lượng được dự trữ trong các liên kết hoá học.
- Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng có vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể; xây dựng, duy trì, sửa chữa các tế bào, mô, cơ quan của cơ thể và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.