Đọc hiểu Ngữ văn 10: Bộ câu hỏi đọc hiểu bài Giáo dục

" GIÁO DỤC
Thay đổi là hằng số duy nhất
Loài người đang đối mặt các cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ, tất cả các câu chuyện cũ của chúng ta đang vụn vỡ, và đến giờ chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế chúng. Làm sao ta có thể chuẩn bị cho bản thân và con cái trước một thế giới đầy những biến chuyển chưa từng có và các bất định đến tận gốc rễ như vậy? Một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay sẽ chừng ba mấy tuổi vào năm 2050. Nếu mọi thứ suôn sẻ, đứa trẻ đó sẽ vẫn còn ở đây vào năm 2100 và thậm chí có thể vẫn là một công dân tích cực của thế kỷ 22. Ta nên dạy đứa trẻ đó điều gì để giúp nó tồn tại và phát triển trong thế giới năm 2050 hay thế kỷ 22? Nó sẽ cần loại kỹ năng gì để kiếm được việc làm, để hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh nó và tìm hướng đi trong mê cung cuộc đời?
Thật không may, chẳng ai biết thế giới sẽ ra làm sao vào năm 2050 chứ đừng nói đến năm 2100 nên chúng ta không có câu trả lời cho những câu hỏi trên. Dĩ nhiên, con người không bao giờ có thể dự đoán tương lai một cách chính xác. Nhưng ngày nay, việc ấy lại càng khó hơn bao giờ hết bởi một khi công nghệ cho phép chúng ta điều chỉnh cơ thể, não bộ và tâm trí, chúng là không còn có thể chắc chắn về bất cứ thứ gì nữa, bao gồm cả những thứ trước giờ có vẻ như cố định và vĩnh hằng.
[…]
Hiện tại, quá nhiều trường học vẫn tập trung vào việc nhồi nhét thông tin vào não trẻ. Trong quá khứ, điều này là hợp lý vì thông tin là hiếm hoi và ngay cả nguồn thông tin nhỏ giọt hiện hữu lúc đó cũng liên tục bị kiểm duyệt chặn lại. Chẳng hạn nếu bạn sống trong một thị trấn tỉnh lẻ ở Mexico vào năm 1800, bạn khó lòng biết nhiều về thế giới rộng lớn hơn. Không có phát thanh, truyền hình, nhật báo hay thư viện công cộng. Ngay cả nếu bạn biết chữ và được đến một thư viện tư, cũng chẳng có nhiều thứ để đọc ngoài tiểu thuyết và các bài luận tôn giáo. Đế chế Tây Ban Nha kiểm duyệt mạnh tay tất cả các văn bản được in trong nước và chỉ cho phép một nhúm nhỏ các nhà xuất bản có chọn lọc kỹ được nhập các văn bản bên ngoài vào. Tương tự, nếu bạn sống trong một thị trấn tỉnh lẻ nào đó ở Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc. Khi các trường học hiện đại xuất hiện, dạy cho mọi đứa trẻ biết đọc biết viết và phổ biến các kiến thức căn bản về địa lý, lịch sử và sinh học, đấy là một sự tiến bộ vượt bậc.
Trái lại, vào thế kỷ 21, chúng ta bị ngập trong một lượng thông tin khổng lồ và ngay cả các nhà kiểm duyệt cũng không cố chặn điều ấy. Ta có thể nhận được thông tin sai sự thật và bị phân thân bằng thông tin không có liên quan. Nếu bạn sống trong một thị trấn tỉnh lẻ nào đó ở Mexico và có một cái điện thoại thông minh, bạn có thể mất mấy đời chỉ để đọc Wikipedia, xem các bài nói chuyện TED và học các khóa học trực tuyến miễn phí. Khó có chính phủ nào có thể hy vọng che đậy tất cả thông tin mà nó không thích. Mặt khác, việc “bơm” cho công chúng các báo cáo trái ngược và các vấn đề không liên quan để đánh lạc hướng lại dễ dàng một cách đáng báo động. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới chỉ cần một cú nhấp chuột là đến các thông tin mới nhất về vụ giội bom Aleppo hay các chỏm băng đang tan ở vùng Cực, nhưng các báo cáo trái ngược nhau nhiều đến nỗi họ chẳng biết nên tin vào đâu. Thêm nữa, vô số những thứ khác cũng chỉ cách một cái nhấp chuột khiến ta khó mà tập trung; khi chính trị hay khoa học trông có vẻ quá phức tạp thì rất dễ dụ người ta chuyển sang một vài video buồn cười về mèo, các vụ ngồi lê đôi mách về các sao hay nội dung khiêu dâm.
Trong một thế giới như thế, điều cuối cùng một người thầy cần đưa cho học sinh của mình là thêm thông tin. Chúng đã có quá nhiều thông tin rồi. Thay vào đó, người ta cần khả năng hiểu được thông tin, biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng; trên tất cả là khả năng tổng hợp nhiều mẫu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới.
Trên thực tế, đây vẫn là lý tưởng của nền giáo dục tự do phương Tây nhiều thế kỷ nay, nhưng đến tận bây giờ, nhiều trường học phương Tây vẫn còn thực hiện việc đó một cách lỏng lẻo. Các thầy cô giáo cho phép mình tập trung vào việc nhồi nhét dữ liệu trong khi khuyến khích học sinh “tự nghĩ cho mình”. Các trường tự do có một nỗi sợ hãi đặc biệt đối với các câu chuyện to tát. Họ cho rằng miễn là cho học sinh thật nhiều dữ kiện và một chút tự do, học sinh sẽ tự tạo nên bức tranh về thế giới của riêng mình; ngay cả nếu thế hệ này thất bại trong việc tổng hợp tất cả dữ liệu thành một câu chuyện liền mạch và có nghĩa về thế giới, sẽ vẫn còn rất nhiều thời gian để xây dựng một tổng hợp tốt hơn trong tương lai. Giờ thì chúng ta đã hết thời gian. Các quyết định chúng ta đưa ra trong vài thập kỷ tới sẽ định hình chính tương lai của sự sống và chúng ta chỉ có thể đưa ra các quyết định này dựa vào thế giới quan hiện tại của chúng ta. Nếu thế hệ này thiếu một quan điểm toàn diện về vũ trụ, tương lai sự sống sẽ được quyết định một cách bừa bãi.
(Trích 21 bài học cho thế kỷ 21, Yuval Noal Harari (Dương Ngọc Trà dịch), NXB Thế giới, 2021, tr. 319 – 322)
Thực hiện câu hỏi đọc hiểu bài Giáo dục
"